(HNM) - Thể hiện tình cảm, động viên tinh thần những người lính biển qua cánh thư, thơ, ca và cả những món quà đầy ý nghĩa là những hành động thiết thực của tuổi trẻ cả nước hướng ra biển, đảo của Tổ quốc.
Đoàn viên, thanh niên trên chuyến tàu HQ957 tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”. Ảnh: Lê Đức Dục |
Gửi niềm tin nơi hải đảo
Chưa khi nào, các chương trình công tác và phong trào của Đoàn, Hội có nhiều hoạt động gắn với tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo như trong mấy năm gần đây, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Hướng về biển, đảo quê hương, ngoài phát động cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" trong toàn Đoàn, Ban Thường vụ TƯ Đoàn còn ban hành Kết luận 156-KL/TƯĐTN về "Một số giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" giai đoạn 2008-2012". Ngay sau đó, các diễn đàn, hoạt động kết nghĩa giữa các cấp bộ Đoàn với các đơn vị LLVT hải quân được khởi động rầm rộ, tổ chức, vận động thanh niên tham gia các chuyến giao lưu, tặng quà cho nhân dân và chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo; gửi gắm tình cảm, trách nhiệm qua những lá thư đầy cảm xúc, khẳng định quyết tâm chia sẻ, đồng hành và hậu phương vững chắc để những lính đảo giữ chắc tay súng, những người dân bám đất, bám đảo, hăng say lao động, sản xuất và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Anh Phan Văn Mãi, Bí thư T.Ư Đoàn nhận định, điểm nhấn của hoạt động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" trong thời gian qua là chương trình "Khi Tổ quốc cần"; hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương"; các cuộc vận động: "Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi", "Chung tay thắp sáng nhà giàn DK" và "Góp đá xây Trường Sa"… không chỉ nhận được sự quan tâm, cổ vũ, chia sẻ ủng hộ rất lớn của xã hội, mà còn có sức hút, lay động lòng yêu nước của thanh niên. Hơn 200 cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên mọi miền Tổ quốc được lựa chọn tham gia các đoàn hành trình đến thăm hỏi, động viên, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; tặng máy vi tính, cột đèn năng lượng mặt trời và đồ dùng sinh hoạt trị giá trên 3 tỷ đồng trong 3 năm gần đây tuy nhỏ, nhưng chứa đựng nhiều niềm tin, hy vọng vào bộ đội hải quân và nhân dân bám biển; ở đất liền, đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên ý thức được rằng, giữ gìn biển đảo, chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc là nhiệm vụ của thế hệ trẻ.
Nối gần khoảng cách giữa biển, đảo với đất liền
Bồi đắp tình yêu của thanh niên với biển đảo được các tổ chức Đoàn chọn cách làm khác nhau, nhưng đối với Thành đoàn TP Hồ Chí Minh lại chọn việc thành lập các đội thanh niên phản ứng nhanh nhạy, thích ứng ở các lĩnh vực. Tại Hội nghị Ban thường vụ TƯ Đoàn mới đây bàn về các giải pháp tuyên truyền, giáo dục thanh niên về biên giới, hải đảo, anh Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế, trình độ, kiến thức thực tiễn và kỹ năng thanh vận của một số cán bộ Đoàn cơ sở còn hạn chế, nên việc định hướng thanh niên ứng xử tích cực với một số vấn đề lớn của quốc gia thời gian gần đây chưa được như mong muốn. Anh Hiếu nhấn mạnh, để xây dựng và giữ vững ngọn cờ yêu nước trong thanh niên, tổ chức Đoàn cần phải nắm bắt thông tin nhanh nhạy, tổ chức nhiều diễn đàn bằng những cách thức khác nhau để thanh niên bày tỏ lòng yêu nước. Từ đầu năm 2011 đến nay, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã đầu tư nguồn lực, nhân lực cho các hoạt động hướng về biển, đảo; quỹ thời gian của cán bộ Đoàn, Hội làm việc tăng thêm 20% đối với từng việc làm, hoạt động cụ thể.
Ở Thủ đô Hà Nội, các cấp bộ đoàn hướng ra biển, đảo không chỉ thăm, giao lưu, tặng quà chiến sĩ, mà còn tổ chức kết nghĩa với các gia đình có cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa thân yêu; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết và các sự kiện trọng đại của gia đình chiến sĩ, đặc biệt giữ liên lạc, nắm bắt tình hình để kịp thời có mặt giúp đỡ các gia đình lúc đau ốm, bão lụt, hoạn nạn… Để những người thân chiến sĩ nơi hải đảo vơi đi nỗi nhớ, nối liền khoảng cách giữa biển và đất liền, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo 107 cơ sở Đoàn kết nghĩa với gia đình CBCS. Trong đó tập trung vào thăm hỏi, tặng quà nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, dịp lễ, tết, các sự kiện trọng đại của gia đình cán bộ, chiến sĩ; nhận giúp đỡ, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già; đỡ đầu, chăm sóc, dạy học cho con, em của cán bộ, chiến sĩ; tư vấn, định hướng học nghề, giới thiệu việc làm cho chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương.
Những việc làm thiết thực của tuổi trẻ đã xóa đi khoảng cách giữa đảo và đất liền, giúp những người lính nơi biên cương - hải đảo yên tâm và vững tin canh giữ biển trời của Tổ quốc. Đó cũng là hành động kịp thời, sâu sắc, ý nghĩa và hiệu quả của phong trào "Khi Tổ quốc cần" và hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.