Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộc lộ nhiều sai sót trong quản lý đê

Hữu Hoài - Chí Đạo| 20/10/2010 06:48

(HNM) - Sau cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội và TX Sơn Tây về việc tạm thời khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực bờ sông đê hữu Hồng trên địa bàn phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Rạng sáng hôm qua (19-10), hàng chục phương tiện vận tải, máy xúc đã tiến hành giảm tải trên tuyến đê, di chuyển tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của dân.


Sáng 19-10, PV Hànộimới tiếp tục bám sát hiện trường ghi nhận tình hình và việc khắc phục hậu quả sạt lở. Các chủ kinh doanh vật liệu đã huy động phương tiện vận tải, máy xúc di chuyển hàng núi cát ra khỏi 11 bãi tập kết và đào bới tìm kiếm máy xúc, băng chuyền, vật dụng đã bị vùi lấp. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một trong 3 gia đình có bãi chứa cát bị sạt sụt, nói: "Khoảng 6h sáng ngày 18-10, bắt đầu xuất hiện vết nứt nhưng sự việc diễn ra quá nhanh nên không kịp di chuyển máy móc, đồ đạc trong lán trại. Gia đình tôi có 2 máy xúc, 75m băng chuyền cát, tivi, tủ lạnh, xe máy, điều hòa đã bị chôn vùi trong cát, đất đá".

Theo số liệu mới nhất do UBND thị xã Sơn Tây công bố, vị trí sạt lở trên tuyến đê hữu Hồng với kích thước cung sạt dài 200m, sạt sâu vào bãi thượng lưu từ 80m đến 100m, sạt trụt ngồi 1,5m đến 2m; đỉnh cung sạt cách chân đê 30m đến 40m. Hiện cung sạt diễn biến rất phức tạp, nguy cơ sạt lở cao nếu lũ từ thượng nguồn đổ về. Nhận định nguyên nhân ban đầu, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho rằng, đây là tuyến đê xung yếu thường xuyên bị dòng chảy áp sát, mấy ngày qua mưa kéo dài làm đất ướt, sự kết dính kém, trên bờ bãi các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng chất nhiều đụn cát, gây sạt trượt.

Ông Vũ Văn Kiều (60 tuổi) sinh sống tại Khu dân cư Phú Mai, phường Phú Thịnh bức xúc: "Chúng tôi đã thấy hiện tượng chất vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến sự an toàn của đoạn đê này, đã nhiều lần phản ánh với các cấp chính quyền nhưng chưa xử lý triệt để".

Thực tế, việc kinh doanh cát, sỏi ở đây diễn ra hàng chục năm. Tháng 5-2010, UBND phường Phú Thịnh đã chấm dứt hợp đồng với các chủ hộ thuê mặt bằng. Nhưng từ đó đến nay việc trung chuyển vật liệu xây dựng ở khu vực này vẫn diễn ra bình thường. Ghi nhận vào sáng 19-10, dọc tuyến đê hữu Hồng tại phường Phú Thịnh có hàng chục đống cát chất cao hơn mặt đê và nằm ngay sát hành lang bảo vệ đê. "Chính quyền địa phương đã đôn đốc, kể cả áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nhưng các hộ vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Không những thế, tranh thủ nước sông Hồng lên, các chủ hộ ồ ạt tập kết cát để phục vụ kinh doanh sau này" - Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Đỗ Văn Cửu phân trần. Khi đề cập đến vấn đề tại sao cho các chủ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng nhà xưởng, lán trại trong khu vực hành lang bảo vệ đê, ông Cửu đã từ chối trả lời.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, Chi cục đã cùng với chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp giải tỏa nhanh vật liệu trên toàn bộ tuyến đê để giảm tải. Cùng đó, Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ tiến hành lập biên bản các hộ vi phạm làm căn cứ xử lý sau, đồng thời mời các đơn vị tư vấn khảo sát và chuyên gia đánh giá, tìm nguyên nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộc lộ nhiều sai sót trong quản lý đê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.