(HNM) - Là một trong 5 tỉnh, TP của cả nước được chọn làm điểm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam về Quy chế
Tính thiết thực của một chủ trương lớn
Thực hiện Nghị quyết 05, MTTQ TP Hà Nội lựa chọn 61 xã, phường, thị trấn (ở 14 quận, huyện) đại diện cho các loại hình cơ sở để làm thí điểm. Trên cơ sở đó, 61/61 đơn vị làm điểm của Hà Nội đã tập huấn cho 12.456 cán bộ MTTQ KDC. Tổ dân phố, thôn, làng và các KDC đặt được 175 hòm thư để tiếp nhận những phản ánh của nhân dân. Các phường, xã làm thí điểm đã tổ chức được 1.470 hội nghị ở KDC, tổ dân phố thu hút hơn 76 nghìn người dự. Ngoài ra, MTTQ in phát hơn 330 nghìn tờ gấp đến từng hộ giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết 05... Với các biện pháp tích cực đó, trong năm đầu thực hiện, MTTQ, nhân dân và các đoàn thể đã giám sát, phát hiện 560 vụ vi phạm, chỉ có 51 vụ trong số đó không đúng sự thật, còn lại đều được kiểm tra, xử lý theo pháp luật. Từ năm 2008 đến 2010, có 732 vụ được giám sát, phát hiện, trong đó cấp ủy, chính quyền và MTTQ đã giải quyết 695 vụ.
Vì sao có cảnh "đầu voi, đuôi chuột"?
Việc thực hiện Nghị quyết 05 bài bản, có hướng dẫn, tập huấn và có sự phân công trách nhiệm cụ thể, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nên kết quả bước đầu rất khả quan. Tuy nhiên, ngay trong số liệu qua các năm cho thấy, có xu thế các vụ việc được phản ánh và có kết luận xử lý giảm dần. Đến nay, công tác này càng bộc lộ, nhiều dấu hiệu hoạt động cầm chừng kiểu "đầu voi, đuôi chuột". Ông Huỳnh Thống, Chủ tịch UB MTTQ phường Chương Dương cho biết: Những năm đầu thực hiện, MTTQ và nhân dân phường phát hiện hàng chục vụ việc, đề xuất và cơ bản được giải quyết, tạo niềm tin cho nhân dân. Nhưng 3, 4 năm gần đây, tuy vẫn duy trì hoạt động, nhưng hiệu quả giảm rõ rệt, nhiều vụ việc đưa ra không có cơ chế giải quyết. Vì vậy, dù việc này vẫn được đưa vào chương trình công tác năm, nhưng không có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể từ cấp trên, dẫn đến việc thực hiện khó khăn, bị bỏ lửng...
Về lý do dẫn đến tình trạng này, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Nguyễn Xuân Điệp khẳng định, do việc thực hiện thí điểm quá dài (6 năm), chưa được tổng kết dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại, công tác phối hợp, chỉ đạo chưa được duy trì thường xuyên, chặt chẽ. Việc tuyên truyền thực hiện nghị quyết có phần lắng xuống, chưa tạo được sự quan tâm của toàn xã hội. Một số cơ quan đùn đẩy trách nhiệm giải quyết và trả lời nhân dân về kết quả các vụ việc còn chậm.
Những hạn chế nói trên không chỉ làm giảm giá trị của một chủ trương lớn, mà còn gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện tại các địa phương. Phó Chủ tịch MTTQ huyện Thanh Trì Đoàn Vũ Dũng cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 05 ở Thanh Trì do không được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nên những tồn tại nảy sinh trong quá trình thực hiện không có hướng giải quyết kịp thời. Đáng chú ý như chưa có cơ chế giám sát cụ thể, gây lúng túng cho người thực hiện, nhất là nhân dân muốn tham gia không biết bắt đầu từ đâu, giám sát ai, giám sát như thế nào và kiến nghị cái gì... Hơn thế, do chưa có cơ chế bảo vệ người giám sát, phát hiện sai phạm, vi phạm, dễ dẫn đến tình trạng bị trù úm, lo sợ, ngại va chạm, né tránh.
Nghị quyết 05 là một nghị quyết quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đạo đức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. MTTQ, nhân dân và các đoàn thể của Hà Nội mong muốn sớm tổng kết nghị quyết để các cơ quan có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện quy chế cho phù hợp thực tiễn đáp ứng yêu cầu đang đặt ra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.