(HNMO) - Chiều 17-2, Bộ Y tế khẳng định không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt vi rút. Do đó, người dân không nên tin vào những quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm này trên mạng xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”.
Những ngày gần đây, lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân về dịch Covid-19, trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) đã rao bán thẻ đeo kháng khuẩn xuất xứ từ Nhật Bản, Nga… như “bùa” hộ mệnh, với công dụng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút, vi khuẩn, trong đó có vi rút gây ra dịch Covid-19.
Chiều 17-2, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) khẳng định, hiện Bộ Y tế không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt vi rút. Do đó, người dân không nên tin vào những quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm này trên mạng xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), vi rút corona chủng mới gây ra dịch Covid-19 lây lan chủ yếu ở giọt bắn của người bệnh khi tiếp xúc, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Tốc độ của một giọt bắn khi ta hắt hơi khoảng 35m/s (120km/h), nên nếu người bình thường đứng trực tiếp trước mặt một người bệnh đang ho hay hắt hơi, thì không có “lớp bảo vệ vô hình” hay thẻ kháng khuẩn nào ngăn được, chỉ có những lớp màng che kín như khẩu trang y tế mới hy vọng cản được các giọt bắn này.
Thêm vào đó, một tỷ lệ rất lớn số ca lây nhiễm bệnh được nghiên cứu, đó là việc dịch tiết của người bệnh bám lên bề mặt khi người bình thường vô tình chạm phải dịch tiết này từ bàn tay rồi vô tình đưa lên mũi, miệng. Do đó, biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lây bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay diệt khuẩn.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ kháng khuẩn. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ kháng khuẩn giúp phòng dịch bệnh. Hiện tại, cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng thẻ kháng khuẩn để phòng Covid-19. Ngay tại Nhật Bản cũng không có khuyến cáo sử dụng thẻ kháng khuẩn để ngăn ngừa dịch này.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu bạn sống ở khu vực có dịch hay trở về từ vùng dịch hãy lưu ý những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh và giữ gìn sức khỏe bằng những cách sau: Duy trì khoảng cách giao tiếp từ 1-2m giữa bạn và người khác, đặc biệt là những người đang ho, hắt hơi và bị sốt; tránh sờ vào mắt, mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc với xà phòng và nước. Nếu bị sốt, ho và khó thở, hãy đi khám sớm và kể cho nhân viên y tế biết chi tiết trước đó bạn đã đi những đâu. Nếu bạn không sống hoặc không đến các vùng dịch bệnh và không tiếp xúc với những người bị ảnh hưởng, chỉ cần giữ gìn sức khỏe bằng cách bảo đảm chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm thông thường. Tránh sờ vào mắt, mũi và miệng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.