(HNMO) - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường vừa ký Công văn số 2511/QLD-KD về việc tăng cường, đa dạng hóa nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, nhu cầu về vắc xin tăng cao khiến nguồn cung vắc xin cho Việt Nam bị ảnh hưởng. Vì vậy, để tăng nguồn cung, tăng khả năng tiếp cận với nhiều nguồn vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục các nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu (AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac...) bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc, xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nghiên cứu tiếp tục đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 để sớm chủ động được nguồn vắc xin trong nước.
Sáng 23-3, tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế có báo cáo về tình hình mua và tiêm chủng vắc xin Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới. Tuy nhiên, tiến độ nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam theo dự kiến có thể bị chậm.
Cụ thể, Covax Facility cam kết hỗ trợ Việt Nam 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca. Lô vắc xin đầu tiên (gồm 1,37 triệu liều) trong cam kết này dự kiến sẽ về Việt Nam cuối tháng 3-2021, sau đó 2,8 triệu liều tiếp theo về cuối tháng 4-2021. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc xin Covid-19 trên toàn cầu còn khó khăn, kéo theo việc xuất khẩu bị hạn chế nên các lô vắc xin này có thể bị lùi lại thời gian cung ứng.
Ngoài ra, số lượng vắc xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của Covax Facility dự kiến cung ứng vào quý III-2021 cũng có thể phải lùi lại tới năm 2022. Cùng với đó, thông qua Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) trong quý II và quý III-2021, sẽ có khoảng 29,87 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về Việt Nam. Thế nhưng, vì những lý do nêu trên, thời gian số lượng vắc xin này về nước ta cũng có thể bị lùi lại.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục khẩn trương làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp cận các nguồn vắc xin khác, triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng Covid-19 ở Việt Nam. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) đang đàm phán với phía Nga để mua vắc xin Sputnik V với số lượng tối đa và cung ứng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có thông báo của nhà sản xuất về kế hoạch và thời gian cung ứng vắc xin Sputnik V cho Việt Nam.
Còn với vắc xin của Pfizer, theo thông báo từ cuối tuần qua, hãng này có thể cung cấp 31 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam và lộ trình cung ứng chi tiết sẽ được thông báo trong thời gian gần nhất.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã khẩn trương làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ, Trung Quốc đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có nhà sản xuất nào thông báo về khả năng cung ứng vắc xin phòng Covid-19.
Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.