(HNM) - Những ngày gần đây, báo chí liên tục thông tin nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội đang ế ẩm vì giá quá cao, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng giờ
Thực tế là đợt bốc thăm thứ hai tại dự án nhà thu nhập thấp (NTNT) Sài Đồng của Công ty Hanco 3 chỉ có 30 khách hàng chọn căn hộ, dự án Đặng Xá đìu hiu hơn, chỉ có 15 người ký hợp đồng. Gần đây nhất, ngày 29-11, nếu ai đó "được" đi đóng tiền đợt hai cho căn hộ tại khu Kiến Hưng, dự án được coi là tốt hơn cả trong số 4 dự án NTNT của Hà Nội hiện nay, cũng sẽ cảm nhận được không khí buồn tẻ của một "phân khúc thị trường" từng gây sốt này. Nhiều người từng phải vất vả ngược xuôi lo thủ tục và chỉ sau chưa đến nửa năm đã phải nộp gần một nửa giá trị căn hộ bạc tỷ, giờ đây lại cảm thấy họ chẳng may mắn hơn những người không đủ điều kiện mua.
Trở lại năm 2009, khi phát động chương trình NTNT với dự tính trong 5 năm sẽ có 189 dự án, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 700 ngàn người, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ giải quyết được một phần đáng kể nhu cầu nhà ở cho người dân đô thị. Nhưng đến nay mới có 39 dự án (đạt 26% so với dự kiến) được triển khai, cũng mới có gần 1.800 căn hộ hoàn thành, đạt... 1% kế hoạch mà nhiều dự án đã rơi vào cảnh không có người mua.
Vấn đề đặt ra lúc này là Nhà nước cần có ngay giải pháp để cứu vãn tình thế, vừa gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân mua NTNT.
Sự thật là để được quyền mua các căn hộ NTNT, người dân phải trải qua một quá trình xét duyệt gắt gao, phải chứng minh rất nhiều loại giấy tờ, thủ tục ưu tiên. Thế nhưng đổi lại, họ nhận được gì ngoài những nỗi lo: Giá nhà vượt quá khả năng chi trả bằng nguồn thu nhập chính đáng, và gần như cũng chẳng có khoản ưu đãi cụ thể nào đáng kể khi giá xấp xỉ bằng giá thị trường, trong khi với khoản tiền tỷ ấy có thể mua một căn hộ thương mại diện tích nhỏ hơn chút xíu, vừa đỡ phiền phức thủ tục lại đàng hoàng không phải diện "xin-cho". Hơn nữa là bỏ cả đống tiền, tài sản mồ hôi nước mắt (cũng như tiền của người mua nhà thương mại) nhưng ông chủ NTNT phải mất tới 10 năm không có quyền định đoạt khối tài sản của mình, muốn thay đổi nơi làm việc, chuyển nơi sinh sống cũng chẳng dễ. Phải khẳng định lại là theo giải thích của Bộ Xây dựng, khoảng thời gian 10 năm được cho là phù hợp với khả năng chi trả (trả góp) của người có thu nhập thấp. Thế nhưng thực tế người mua đang phải nộp tiền nhanh hơn cả mua nhà thương mại, chỉ trong vòng trên dưới một năm.
Không khó để nhận ra rằng, với người mua NTNT, ngoài chuyện phải căn cơ tiền bạc thì cảm giác không an tâm đang hiện hữu. Lo từ vướng mắc cơ chế đến thực tế cuộc sống, lo mua rồi sinh hoạt sẽ ra sao khi nhãn tiền đã có bài học chất lượng nhà tái định cư, xập xệ bị bỏ rơi. Suốt một thời gian dài, sau khi dự án NTNT Ngô Thì Nhậm hoàn tất việc bàn giao, dư luận đã nhiều lần bàn tới bàn lui về những bất cập của chính sách NTNT, từ cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đến bảo đảm quyền lợi của người dân. Song cũng tiếc là cho đến nay, cơ quan quản lý vẫn im hơi lặng tiếng, không ai, không đơn vị nào có câu trả lời chính thức, hoặc chí ít cũng có những ghi nhận với người dân về các điều chỉnh nếu có.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần có tiếng nói chính thức để tháo gỡ những bất cập trong việc thực hiện một chính sách tốt đẹp là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ổn định nơi ở. Chính sách đúng sẽ có kết quả hay, đừng để người dân cảm thấy bơ vơ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.