Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Bộ tứ” về Syria nhóm họp: Chưa thu hẹp bất đồng

Quỳnh Dương| 25/10/2015 06:03

(HNM) - Cuộc nội chiến kéo dài suốt 4 năm qua tại Syria đang có cơ hội tìm được lối thoát khi ngoại trưởng 4 nước Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia lần đầu tiên gặp mặt để bàn thảo về vấn đề này ngày 23-10 tại thủ đô Vienna (Áo).

Sau 2 giờ thảo luận, bất đồng tồn tại dai dẳng giữa các bên vẫn chưa được thu hẹp. Tuy nhiên, việc "bộ tứ" có vai trò quan trọng đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông chấp nhận cùng ngồi bàn thảo có thể được xem như tia hy vọng cho hòa bình tại khu vực.

Nhóm "bộ tứ" Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia lần đầu tiên họp về tình hình Syria.


Theo các nhà phân tích, kết quả ban đầu đạt được của cuộc gặp mặt là các bên đã đưa ra được mục đích chung tại Syria, gồm: Chấm dứt chiến tranh, đấu tranh hiệu quả hơn với những kẻ khủng bố đang âm mưu xâm chiếm Syria, thúc đẩy tích cực và hiệu quả hơn nữa tiến trình chính trị trên cơ sở những nguyên tắc nêu ra trong Tuyên bố chung Geneva ngày 30-6-2012. Nói cách khác, tất cả các bên tại cuộc họp đều mong muốn giải quyết cuộc xung đột trên cơ sở khôi phục lại đất nước Syria như một quốc gia có toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và độc lập, bảo đảm quyền lợi của tất cả các nhóm tôn giáo và dân tộc.

Thế nhưng, mâu thuẫn khó giải tỏa nhất hiện nay giữa Nga và Mỹ là số phận của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Trong khi Nga ủng hộ chính quyền đương kim Tổng thống Syria thì Mỹ lại khẳng định ông B.Al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Thậm chí, trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những nghi kỵ giữa hai bên cũng không hề được loại bỏ. Washington không ít lần lên tiếng cho rằng, các cuộc không kích của Nga chỉ nhằm vào lực lượng đối lập của Chính phủ Syria, hậu thuẫn quân đội của Tổng thống B.Al-Assad giành lợi thế trên chiến trường. Còn Mátxcơva lại khẳng định, Mỹ đang "chơi trò hai mặt" trong ván cờ Trung Đông, bằng việc tấn công một số nhóm khủng bố, song cũng tìm cách sử dụng một số khác để phục vụ lợi ích địa chính trị của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Mỹ và các nước đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia chịu ngồi vào bàn đàm phán với Nga là vì thời gian gần đây, Mátxcơva liên tục giành được những bước tiến lớn trong cuộc không kích IS tại Syria. Mục tiêu tới đây của Nga là hỗ trợ quân đội Syria giành lại Aleppo - địa danh quan trọng chiến lược để đánh bại quân khủng bố và thiết lập lại trật tự trên khắp Syria. Làm chủ được Aleppo là cắt đứt toàn bộ mọi liên lạc, nguồn cung cấp tài chính, vũ khí… của quân khủng bố qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Với những đòn tấn công hiệu quả, Iraq cũng đang có ý định nhờ Mátxcơva can thiệp nhằm truy quét đội quân IS. Hiện tại, Baghdad đã trở thành địa điểm thành lập trung tâm chia sẻ thông tin giữa Nga, Iran, Iraq và Syria trong cuộc chiến này. Không những vậy, cách đây ít ngày, Nga còn tìm được đồng minh mới khi Jordan đồng ý thành lập một trung tâm hợp tác ở thủ đô Amma nhằm chia sẻ thông tin về các hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sự ảnh hưởng và hiện diện quân sự của Nga là yếu tố mới để có thể dàn xếp một thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến Syria.

Theo kế hoạch, "bộ tứ" về vấn đề Syria sẽ duy trì liên lạc và tiếp tục nhóm họp vào ngày 30-10 với thành phần mở rộng hơn để tìm con đường hiệu quả nhằm đưa Syria trở lại tiến trình hòa bình với những kết quả thực sự. Có thể thấy rằng, mối bất đồng giữa Nga và phương Tây sẽ chỉ khiến những nỗ lực quốc tế nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Syria thất bại, đẩy quốc gia Trung Đông này chìm sâu vào cuộc nội chiến kéo dài. Trong bối cảnh tổ chức khủng bố IS không ngừng thực hiện các cuộc tấn công mở rộng địa bàn ở cả Trung Đông và Bắc Phi, nếu các cường quốc không gạt sang một bên những bất đồng để có được sự phối hợp thực sự hiệu quả, an ninh của cả khu vực và thế giới sẽ đối mặt với những hậu họa khôn lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
”Bộ tứ” về Syria nhóm họp: Chưa thu hẹp bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.