(HNM) - Đề án
- Ông đánh giá như thế nào về đề án đang được thành phố xin ý kiến và thời điểm năm 2021 sẽ cấm xe máy vào khu vực nội đô?
- Hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Đây cũng là xu thế chung của thế giới. Quan điểm của thành phố là, hạn chế phương tiện cá nhân nhằm phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn cho người dân. Nên đi kèm với việc hạn chế phương tiện cá nhân, thành phố sẽ tìm các giải pháp tăng hệ thống giao thông công cộng (đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt...) và các giải pháp đồng bộ khác.
Còn về thời điểm, tôi cho rằng, thành phố đã tính toán kỹ về lộ trình. Khi đề án chính thức được ban hành, thành phố sẽ tính toán ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện. Ngoài vốn ngân sách thành phố còn tập trung xã hội hóa. Nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp còn rất lớn. Vấn đề là phải khơi thông được nguồn lực đó. Khi mà có nhiều chủ thể xã hội hóa với nguồn vốn lớn, tôi tin sẽ thực hiện được theo lộ trình đề ra.
- Khi hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng, thì giao thông phi cơ giới như đi bộ, đi xe đạp sẽ có vai trò quan trọng. Hà Nội phải làm gì để phát triển hạ tầng giao thông phi cơ giới, thưa ông?
- Trong nhiều năm qua, hạ tầng phi cơ giới ở Hà Nội chưa được tập trung, gần đây lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm. Trong định hướng và thực hiện xây dựng hạ tầng, thành phố rất quan tâm đến vỉa hè. Tới đây, thành phố sẽ tìm kiếm các giải pháp căn cơ về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ bắt đầu từ quy hoạch. Khi quy hoạch tốt, chúng ta sẽ kêu gọi đầu tư, cộng với đó là thiết kế các mô hình để người dân thay đổi thói quen, tiếp cận với loại hình giao thông phi cơ giới. Bước đầu, Hà Nội đã xây dựng tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và đạt thành công toàn diện. Đây là sự chuẩn bị rất tốt cho tương lai.
- Theo Kế hoạch tài chính Chính phủ báo cáo Quốc hội, Trung ương sẽ tăng tỷ lệ đóng góp, giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương. Ông đánh giá ra sao về tác động của việc này đối với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh cần các nguồn lực để phát triển, trong đó có hạ tầng giao thông?
- Việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Khi thảo luận về vấn đề này, tôi sẽ kiến nghị thay đổi tư duy đầu tư. Nguồn lực đã ít, chưa kể còn đưa đến những "địa chỉ" không chính xác. Chúng ta phải bỏ tư duy xếp hàng ngang chia đều, thay vào đó phải chọn động lực để đầu tư. Đầu tư tập trung vào những động lực thì sau đó động lực ấy sẽ kéo những vùng khác phát triển theo.
- Vậy, Hà Nội mong muốn được điều tiết ngân sách với tỷ lệ bao nhiêu?
- Hà Nội mong muốn Trung ương xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, có thể là 35-37%. Cùng với nỗ lực của mình, Hà Nội mới có thể thực hiện được các mục tiêu phát triển như đã đề ra.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.