Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trăn trở về thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ…
“Chúng ta nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu”. Đó là trăn trở của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân về thực trạng thu hút nhân tài của Việt Nam nhân Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cao trong khoa học công nghệ đang diễn ra tại Mỹ do Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tổ chức.
Được Quốc hội Mỹ thành lập và cung cấp ngân sách nhằm thúc đẩy trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2003, giúp Việt Nam đào tạo gần 500 sinh viên và nghiên cứu sinh tại các trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ trong các lĩnh vực thiết yếu như khoa học công nghệ và y tế.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại Hội thảo |
Cho tới nay, 300 người đã tốt nghiệp với trình độ tiến sỹ hoặc thạc sỹ. Giáo sư Edmund Malesky của Trường đại học Duke, một cơ sở liên kết đào tạo với Quỹ Giáo dục Việt Nam cho biết: “Đây là một mô hình vô cùng thành công. Ý tưởng của chúng tôi là tìm cách đào tạo khoa học công nghệ tiên tiến cho Việt Nam, tìm kiếm những sinh viên xuất sắc nhất Việt Nam, tạo cơ hội để họ học tập tại những trường đại học tốt nhất tại Mỹ và mang kiến thức khoa học công nghệ và sự sáng tạo về Việt Nam. Tôi nghĩ là chúng tôi đã làm được điều này”.
Thay mặt cho phía Việt Nam, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá cao đóng góp của Quỹ Giáo dục Việt Nam trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam: “Kết quả lớn nhất mà Quỹ Giáo dục Việt Nam mang lại là đào tạo được một đội ngũ khoa học kỹ thuật trình độ cao và có tư duy kinh tế thị trường mà Việt Nam đang rất cần”.
Tổ chức hội thảo “Học tập hôm nay, lãnh đạo ngày mai” với những tham luận chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, lập nghiệp và lãnh đạo, mục tiêu của Quỹ Giáo dục Việt Nam là không chỉ giúp Việt Nam tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đưa họ trở thành đầu tàu khoa học công nghệ trong nước qua kiến thức và mạng lưới quan hệ mà họ xây dựng được.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hóa sinh Lê Thị Lý, một cựu học viên Quỹ Giáo dục Việt Nam cho biết: “Quỹ Giáo dục Việt Nam rất chú trọng tới việc tạo cho các học viên trở thành những người lãnh đạo trong tương lai vì họ không chỉ học khoa học rồi về Việt Nam làm khoa học mà còn phải tạo ra ảnh hưởng lớn cho khoa học Việt Nam, đồng thời là những người tạo ra cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ trong khoa học công nghệ”.
Hiện nay, hơn 200 sinh viên và nghiên cứu sinh thụ hưởng chương trình Quỹ Giáo dục Việt Nam đã trở về Việt Nam làm việc nhưng nguồn nhân lực quý giá này chưa có nhiều điều kiện để phát huy tối đa khả năng của họ.
Theọ bà Lê Duy Loan, chuyên gia công nghệ bán dẫn nổi tiếng của Mỹ, Việt Nam vẫn chưa đảm bảo được đầy đủ các điều kiện cần thiết như môi trường làm việc thuận lợi, sự ủng hộ của lãnh đạo, chế độ lương bổng phù hợp, trang thiết bị nghiên cứu, và môi trường ứng dụng, tiêu thụ sản phẩm nghiên cứu.
“Tôi nghĩ là tất cả đều biết những sự cần thiết đó nhưng biết là một chuyện còn có làm được như vậy, có tạo được môi trường như vậy để cho những học viên về cống hiến cho Việt Nam hay không lại là một chuyện khác”- bà Lê Duy Loan nhấn mạnh
Chia sẻ quan điểm về thực trạng lãng phí chất xám, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân bày tỏ:“Phải nói thực lòng là chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu để có thể sử dụng tốt nhất thành quả mà Quỹ Giáo dục Việt Nam mang lại. Nguyên nhân khách quan là chúng ta còn nghèo nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, tức là chúng ta chưa thay đổi tư duy cho phù hợp với hệ thống quản lý và phát triển của các nước tiên tiến”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những học viên Quỹ Giáo dục Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học tập vẫn chưa tìm được cơ sở làm việc phù hợp để cống hiến kiến thức và tài năng của họ cho đất nước và điều này cũng giải thích một phần lý do vì sao rất nhiều người Việt thành đạt tại nước ngoài nhưng lại chưa về nước:
“Do vậy nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Khoa học Công nghệ cũng như các cơ quan khác là tạo ra một môi trường học thuật hiện đại nhất, làm việc tốt nhất cũng như tạo ra chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút những người giỏi ở nước ngoài. Chúng ta nói thì rất nhiều nhưng quả thực là làm thì chưa được bao nhiêu. Đó chính là điều mà chúng tôi phải điều chỉnh trong thời gian sắp tới”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, ngân sách nhà nước không thể kham hết nổi toàn bộ đầu tư cho khoa học công nghệ mà cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Quân, kinh nghiệm của các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc hay Nhật Bản cho thấy doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa học công nghệ nhiều hơn nhà nước từ 5 đến 7 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam đang thực hiện cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải dành một tỉ lệ tối thiểu trong lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đồng thời áp dụng những chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp trong vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân hy vọng rằng, trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, Việt Nam sẽ có mức tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ nhiều hơn 2% GDP, tương tự các nước trong khu vực và trên thế giới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.