Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng GTVT: Phấn đấu năm tới giảm 5-10% số vụ TNGT

Vân An| 23/11/2011 11:50

(HNMO) – Sáng 23/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội với những vấn đề rất “nóng” hiện nay: tai nạn, ùn tắc giao thông và công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nhận được khá nhiều câu hỏi chất vấn và tái chất vấn.


Trước khi tiến hành chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ, Quốc hội đã nghe Ủy ban dân nguyện của Quốc hội báo cáo việc giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Bước sang nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên họp lần này, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nhận được 151 chất vấn. Đến sáng nay, đã có 96 chất vấn được trả lời. Quốc hội đã lựa chọn 9 nhóm vấn đề liên quan đến 5 Bộ trưởng để trả lời chất vấn tại Hội trường.

Các vấn đề được lựa chọn để chất vấn gồm: tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông và chất lượng các công trình giao thông cũng như cách khắc phục các bất cập; việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những biện pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai lũ lụt, bảo vệ diện tích đất trồng lúa; chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp học; điều chỉnh giá thị trường định hướng XHCN đối với các mặt hàng quan trọng như than, điện, xăng, dầu, một số hàng hóa khác và dịch vụ công; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại trong thị trường tài chính nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn của hệ thống, phục vụ việc ngăn chặn lạm phát và duy trì vốn để đảm bảo cho sản xuất kinh doanh.

Theo đó, đăng đàn trả lời chất vấn sẽ là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giaos dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng các trưởng ngành khác của Chính phủ để làm rõ các vấn đề được lựa chọn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội để làm rõ thêm các vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.

Từ 2012: Phấn đấu mỗi năm giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông


Trả lời chất vấn của các đại biểu về các giải pháp nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo giảm ùn tắc và TNGT nhưng số người chết vẫn chưa giảm, ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở các thành phố lớn, vẫn diễn ra liên tục... gây bức xúc và nhức nhối cũng như thiệt hại lớn về người và của cho xã hội.


Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: Vnexpress


Để giải quyết thực trạng này, theo Bộ trưởng, cần phải thay đổi căn bản nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị như các nhiệm vụ chính trị trọng tâm về phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, thay đổi căn bản nhận thức và ý thức của người dân khi tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và của toàn xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành GTVT đã đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2012, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút và lấy năm 2012 là năm “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”.

Với mục tiêu đó, Bộ trưởng cho rằng, để giảm ùn tắc và TNGT, mấu chốt là phải đầu tư nâng cao hệ thống giao thông đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh, coi đây là điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ và cũng là điểm đột phá cho sự phát triển. Vì vậy, Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông Bắc – Nam, nâng cấp và mở rộng QL 1A, phát triển đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tiếp tục đầu tư đường cao tốc Hồ Chí Minh, các tuyến đường ven biển, ven biên giới và giao thông nông thôn. Song song với đó, Chính phủ cũng tiến hành đầu tư đồng bộ cả đường sắt (cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có, nghiên cứu đầu tư đường sắt mới tốc độ cao và nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc), đường hàng không (nâng cấp các cảng hàng không hiện có, xây dựng 2 cảng hàng không lớn Nội Bài và Long Thành, hoàn thành các cảng hàng không hiện đang xây dựng), đường thủy (tập trung xây dựng các cảng đầu mối trung chuyển ở phía bắc và phía nam và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; nâng cấp, cải tạo các cảng đầu mối và hệ thống đường sông ở Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long)…

Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, theo Bộ trưởng, một giải pháp đột phá khác là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân gây TNGT có nhiều, nhưng ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thì có nguyên nhân từ quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, yếu kém, khiến ý thức người dân tham gia giao thông chưa tốt.

“Đa số người dân đều muốn tham gia giao thông an toàn nhưng do công tác quản lý chưa tốt khiến một bộ phận người dân không chấp hành pháp luật: đi sai làn đường, đi lên vỉa hè… Còn mãi lộ thì còn tình trạng lái xe vi phạm giao thông bởi họ nghĩ, nếu có gì xảy ra thì vẫn còn cách xử lý”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh các giải pháp lâu dài, Bộ trưởng khẳng định, những giải pháp trước mắt, ví dụ như giải pháp đổi giờ làm mà nhiều người cho là chắp vá, cũng là một giải pháp nằm trong tổng thể các giải pháp đã được Chính phủ đề ra.

Một vấn đề khác được nhiều các đại biểu chất vấn là việc đào tạo, cấp bằng lái xe, việc đăng kiểm… có nhiều bất cập và tiêu cực, Bộ trưởng cho biết, với các cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe, Bộ đã tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên, đồng thời đang thiết lập lại hệ thống cấp bằng lái xe nhằm đảm bảo không có bằng giả và xây dựng sự thống nhất quản lý chung giữa ngành giao thông và ngành công an để quản lý được các phương tiện và người sử dụng phương tiện.

“Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe nếu để lái xe vi phạm giao thông thì sẽ có thể cho dừng đào tạo hoặc cho giải tán”, Bộ trưởng Thăng nói.

Song song với đó, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các lái xe, đồng thời gắn liên đới trách nhiệm giữa lái xe với người chủ phương tiện.

Chốt lại nội dung về giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Thăng khẳng định một lần nữa, để giảm thiểu tình hình này, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng của người thi hành công vụ. 


Dưới góc độ người đứng đầu ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra một số nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông là do đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng diện tích đất đô thị, trong khi yêu cầu phải đạt từ 24-26% và theo luật là 16-26%; diện tích bãi đỗ xe mới đạt chưa đến 1% trong khi yêu cầu từ 3-5% trên tổng diện tích đất đô thị; để gia tăng dân số cơ học ở đô thị lõi và đô thị trung tâm quá cao; việc tổ chức mạng lưới giao thông bất cập, thiếu các giao thông vùng, đường vành đai, đường xuyên tâm, thiếu tổ chức giao thông không gian và thiếu liên kết giao thông giữa các công trình cao tầng; việc phát triển nhà cao tầng ở nội đô chưa được kiểm soát chặt chẽ; các khu đô thị mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dịch vụ đồng bộ, dẫn đến giao thông con lắc…

Bộ trưởng cho biết, dự báo trong những năm tới, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn sẽ giảm không nhiều do sự gia tăng phương tiện cá nhân và đầu tư cho hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cần kiểm soát chặt việc xây dựng, chất tải thêm các công trình cao tầng ở các quận nội thành của các thành phố lớn, đặt mục tiêu 10 năm nữa cơ bản giải quyết được ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; 15 năm nữa sẽ triệt để giảm. Đồng thời, cần hoàn thiện Luật đô thị để đô thị phát triển đúng quy hoạch, đồng bộ, đáp ứng sự phát triển bền vững; tiếp tục điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, vùng TP Hồ Chí Minh, tập trung phát triển giao thông liên vùng và các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng, tránh giao thông cấp qua các thành phố lớn cùng cốt như hiện nay; bố trí hợp lý các công trình hạ tầng xã hội vùng như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí; xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ để hạn chế sự dịch chuyển của người dân, kiểm soát tăng dân số cơ học ở các quận nội thành gắn với chuyển dịch dần dân nội thành ra các khu bên ngoài…

Cùng tham gia “mổ xẻ” “quốc nạn” ùn tắc và TNGT, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, TNGT phụ thuộc nhiều yếu tố: hạ tầng yếu kém, việc tổ chức giao thông hạn chế, việc thực thi pháp luật an toàn giao thông chưa nghiêm, phương tiện giao thông tăng nhanh, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt…

Bộ trưởng Quang cho biết, qua thống kê, 80% số vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra và TNGT cũng là nguyên nhân gây ra 44% số vụ ùn tắc giao thông. Do đó, trước mắt nên tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho người tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động vận tải, nhất là đối với xe ô tô, có biện pháp quản lý lái xe sau khi được cấp giấp phép bằng cách ban hành phiếu kiểm soát lái xe để có xử lý kịp thời; tăng cường tổ chức giao thông và nâng cao chất lượng kết cấu an toàn giao thông, kiên quyết xóa bỏ các đường ngang trái phép, các điểm đen giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật cho sát thực tế, trong đó có nâng mức phạt lên cao hơn và áp dụng các hình phạt bổ sung như tịch thu, tạm giữ phương tiện; gắn trách nhiệm của người chủ phương tiện…

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc thông báo về nơi cư trú và công tác với những người lái xe gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tác dụng của việc làm này chưa được như mong muốn. Tôi đề nghị nên thay bằng hình thức đăng công khai những người vi phạm giao thông nghiêm trọng lên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, công chức Nhà nước can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông”, Bộ trưởng Quang nói.

Về phía bộ mình, Bộ trưởng Quang cho biết, ông sẽ kiên quyết xử lý những người trong ngành có sai phạm.

Kiên quyết thay các nhà thầu, tư vấn, BQL kém năng lực

Chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, chất lượng kém, mới xây xong đã hỏng… Các đại biểu băn khoăn không biết có phải do công trình bị “rút ruột”, bán thầu?

Bộ trưởng Thăng thừa nhận có thực trạng như các đại biểu nêu. Bộ trưởng cho biết, để khắc phục bệnh chậm tiến độ và chất lượng các công trình yếu kém, thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy khâu chuẩn bị dự án có chất lượng và nhanh hơn, chọn nhà thầu, tư vấn, Ban quản lý dự án… có chất lượng hơn, trong đó chú trọng tới tính công khai, minh bạch khi triển khai thực hiện và thay thế kịp thời các BQL dự án, tư vấn giám sát, thiết kế, nhà thầu… không đạt yêu cầu, hướng tới tổ chức các BQL dự án thành các công ty tư vấn chuyên nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho rằng, để khắc phục bất cập trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, cần phải sửa lại luật đấu thầu, bởi với quy định hiện tại, một số đơn vị năng lực yếu lại trúng thầu còn các đơn vị mạnh lại không trúng thầu, do đó, làm phát sinh hiện tượng bán thầu. Đồng thời, tạo sự đột phá trong khâu GPMB, hiện đây cũng là nguyên nhân khiến các công trình chậm từ 1-5 năm.

Đi vào một số công trình cụ thể, Bộ trưởng cho biết, công trình đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, Bộ trưởng đã đi thị sát, kiểm tra và thấy đúng là có một số đoạn thi công không đảm bảo. Nguyên nhân là do chất lượng BQL và tư vấn kém. Bộ trưởng đã cho đình chỉ công tác giám đốc BQL dự án để kiểm điểm, đồng thời yêu cầu nhà thầu thi công phải khắc phục toàn bộ hư hỏng từ tháng 12, kinh phí do nhà thầu bỏ ra.

“Nếu công trình còn kém chất lượng, nhà thầu phải có trách nhiệm bảo hành đến cùng. Các dự án khác cũng sẽ rút kinh nghiệm từ đó để đảm bảo tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Về việc xây dựng quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có phương án trình lên Chính phủ. Theo phương án, Quỹ này sẽ thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện nên không có chuyện bắt dân phải đóng thêm thuế để lấy tiền bảo trì giao thông. Nguồn thu của quỹ sẽ đảm bảo có kinh phí để thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các tuyến cầu, đường.

Đặc biệt, Bộ cũng sẽ tiến hành bước đột phá trong xã hội hóa việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý đường bộ cho các địa phương, tư nhân, cũng như xã hội hóa việc đầu tư các công trình giao thông.

“Nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam trong thời gian tới là 1,5 triệu tỷ đồng, do đó chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách. Nguồn này chỉ nên dành đầu tư cho trục giao thông Bắc – Nam và các dự án huyết mạch mà những thành phần ngoài nhà nước không đầu tư, còn các dự án khác phải huy động từ các nguồn khác, với phương châm lấy hạ tầng nuôi hạ tầng”, Bộ trưởng nói.

Tham gia thêm về vốn cho các công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, cân đối nguồn lực cho phát triển giao thông là khâu khó nhất trong tất cả các cân đối của Chính phủ bởi nhu cầu của ngành rất lớn nhưng khả năng của đất nước lại có hạn.

Bộ trưởng cho biết, trước đây, chúng ta chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho giao thông. Gần đây, chúng ta đã đổi mới quan điểm đầu tư cho giao thông theo hướng giảm đầu tư công và mở ra các nguồn lực ngoài ngân sách, cả trong và ngoài nước.

“Thay vì đầu tư 100% vốn ngân sách cho công trình thì giờ các công trình nếu có thể thu hồi vốn thì chúng ta sẽ hạn chế đầu tư bằng ngân sách hoặc ngân sách Nhà nước chỉ là vốn mồi, hỗ trợ một phần, còn lại kêu gọi các thành phần kinh tế khác… Vốn ngân sách sẽ chỉ dành tập trung cho vùng sâu, vùng xa, những nơi khó thu hồi vốn”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, việc xã hội hóa đầu tư cũng đang có nhiều vướng mắc trong thực hiện và cũng có những biến tướng không hiệu quả trong thực tiễn. Để khắc phục, phải thay đổi tư duy về giá và phí và phải có quyết định đầu tư tập trung, hiệu quả hơn, tránh dàn trải, đề cao trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng GTVT: Phấn đấu năm tới giảm 5-10% số vụ TNGT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.