Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi nghỉ hưu không phải để "giữ ghế"

Bảo Hân| 29/05/2019 10:41

(HNMO) - Trao đổi bên lề Quốc hội sáng 29-5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời báo chí bên lề Quốc hội.


Không thể không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ mục tiêu, mục đích về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Trong đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính tới yếu tố tăng trưởng việc làm, bảo đảm sự bền vững Quỹ Bảo hiểm xã hội, giải quyết vấn đề già hoá dân số, giảm dần khoảng cách về giới...

“Có thể nói mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được với tình trạng già hoá dân số vào năm 2035”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, nhiều người nói Việt Nam đang là dân số vàng, nhưng thực tế đã chuyển sang già hóa từ năm 2014. Nếu năm 2000, bình quân mỗi năm số người bước vào độ tuổi lao động là khoảng 1,2 triệu thì hiện con số này giảm xuống còn khoảng 400.000.

“Chúng ta thấy việc già hoá dân số đang diễn ra. Đến nay, số người bước vào độ tuổi lao động ngày càng giảm. Việt Nam hiện có khoảng 7% số người từ 60 tuổi trở lên và tốc độ già hoá của Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, quy định về tuổi nghỉ hưu 60 với nam, 55 với nữ hiện đang áp dụng đã có từ năm 1961, tức là hơn đã hơn 60 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của Việt Nam tại thời điểm đưa ra quy định về tuổi nghỉ hưu đang áp dụng chỉ hơn 45 tuổi. Tới nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 76,6 tuổi.

“Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần hiểu một cách đầy đủ sự cần thiết của việc phải tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này không thể không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. 

Trả lời câu hỏi: “Tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ?", ông Đào Ngọc Dung khẳng định: “Chúng ta xác định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì yếu tố số một là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế; thứ hai là phải đảm bảo công ăn việc làm cho giới trẻ”.

“Phải làm rõ tăng tuổi nghỉ hưu không phải là chuyện người già tranh chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Tăng tuổi nghỉ hưu để tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Người lao động được chọn quyền nghỉ hưu sớm hơn

Về sự đảm bảo ổn định của Quỹ Bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nam và nữ nhìn chung là thấp, đóng bình quân 20 năm, nhưng hưởng rất cao. 

“Nếu như mỗi người đóng bình quân bảo hiểm xã hội 28 năm thì chỉ đủ cho chính mình hưởng trong 10 năm, thời gian còn lại phải lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do đó, để bảo đảm cân bằng quỹ thì chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và giải quyết nhiều luật, nhiều chính sách khác, như điều chỉnh về bảo hiểm, điều chỉnh công việc, thị trường lao động…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh sẽ theo lộ trình chậm. Nếu theo phương án 1 được Chính phủ trình, tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035.

Ngoài ra, các trường hợp người lao động suy giảm sức khỏe; lao động trong điều kiện đặc biệt; lao động nặng nhọc, độc hại có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi.

“Chúng tôi đang thiết kế chính sách để người lao động chọn quyền nghỉ hưu sớm hơn. Người lao động chưa đủ tuổi vẫn có thể nghỉ để chờ hưu và hưởng chính sách theo quy định hiện hành. Như vậy, không có nghĩa là bắt 'cứng' người lao động cứ phải đủ tuổi, đủ năm đóng bảo hiểm mới được nghỉ hưu”, Bộ trưởng nêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi nghỉ hưu không phải để "giữ ghế"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.