(HNMO)- Mở đầu phiên chất vấn sáng nay (12-6), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ được QH dành 40 phút thời gian còn lại để tập trung làm rõ về hơn 300 văn bản sai quy định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên trả lời chất vấn chiều 11-6 |
Trước đó, vào cuối phiên chất vấn chiều qua,Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ hơn về 312 văn bản bản chưa bảo đảm về chất lượng, thiếu tính khả thi, không bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thậm chí có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp như ĐB nêu bởi đây là vấn đề nghiêm trọng mà Bộ trưởng chưa trả lời kỹ.
Bộ trưởng Hà Hùng Cườngtiếp tục nhận được hàng loạt câu hỏi của các ĐB QH, trong đó 5 ĐB chất vấn cuối cùng là ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) và ĐB Nguyễn Bá Thuyền sẽ nhận được câu trả lời trong sáng nay.
Trong đó, là người nêu chất vấn cuối cùng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đưa ra câu hỏi Bộ trưởng có nghĩ đến việc sẽ đề xuất với Chính phủ mở rộng quyền làm chủ của người dân để họ được khởi kiện các văn bản sai quy định?
ĐB Đỗ Văn Đương - ảnh theo infonet |
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng cử tri hoan nghênh thời gian qua đưa đã đưa ra xét xử nhiều đại án về kinh tế. Riêng vụ Huyền Như gây thiệt hại tới 4000 tỷ. Nhưng cử tri rất buồn về thu hồi tài sản trong những vụ án này rất thấp, chỉ khoảng dưới 10%. Vậy phần lớn kia đi đâu? Phải chăng cứ đi tù là xong?
Đầu phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ thêm về việc ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Trước tiên, về số liệu kết quả kiểm tra văn bản, có ĐB lấy từ số liệu trong báo cáo của CP số 126 ngày 12-5-2014. Theo đó từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết ngày 30-4-2014, trong tổng số 1574 văn bản đã kiểm tra,, Bộ Tư pháp đã phát hiện 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm khoảng 5 phần nghìn).
Có ĐB lấy số liệu từ báo cáo số 132 ngày 11-6-2016 của Bộ Tư pháp. Theo báo cáo này, tính từ tháng 10-2013 đến ngày 30-4-2014, trong tổng số 368 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 79 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
“Đây đều là những số liệu thống nhất nhưng kỳ báo cáo có khác nhau” – Bộ trưởng Cường khẳng định,
Về loại sai phạm, trong số 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo báo cáo của Chính phủ, có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý và thể thức trình bày; 64 văn bản sai về hiệu lực; 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung (chiếm 0,17% so với số văn bản đã kiểm tra).
Với 54 văn bản sai về nội dung, không có văn bản nào vi hiến, có 4 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với Luật và Pháp lệnh, còn lại là văn bản chưa phù hợp với Nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Còn trong 79 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo báo cáo 132 của Bộ Tư pháp, có 51 văn bản sai thể thức, căn cứ ban hành; 7 văn bản sai thẩm quyền; 5 văn bản sai hiệu lực và 21 văn bản sai về nội dung. Bộ đã có phụ lục kèm theo báo cáo ghi rõ các vấn đề sai là gì. Những văn bản sai về nội dung không có sai phạm nào trái với Hiếp pháp, Luật, Pháp lệnh, chỉ trái và chưa phù hợp với Nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Về tình hình xử lý, trong số 54 văn bản sai về nội dung theo báo cáo số 126 của Chính phủ, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi với các cơ quan ban hành văn bản, có 19 văn bản được các cơ quan soạn thảo sửa ngay. Ví dụ như Thông tư số 24/2013 của Bộ GD-ĐT quy định thêm một số đối tượng được ưu tiên cộng điểm so với quy định của Pháp lệnh người có công. Ngoài ra, quy định về cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa là không phù hợp với thực tiễn.
Có 35 văn bản Bộ Tư pháp thông báo về nội dung có dấu hiệu trái pháp luật, đến nay có 20 văn bản đã xử lý xong như Thông tư 55/2011 về kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản quy định tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu trái với Luật An toàn thực phẩm và được thay thế bằng TT số 48 của Bộ NN PTNT phù hợp với các quy định của luật; 15 văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý.
“Việc tiếp tục ban hành văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ sai về nội dung sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực, nếu tiếp tục thì không thể chấp nhận được, mặc dù số lượng chiếm tỷ lệ không cao. Cũng cần phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tới đây hàng tháng Bộ đều có báo cáo tình hình kiểm tra văn bản để Chính phủ xem xét, cho ý kiến” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu quan điểm.
Trả lời chất vấn của ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) về làm rõ thêm kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ mà QH giao về thi hành án dân sự theo NQ 37, Bộ trưởng Cường cho biết có 2 chỉ tiêu chủ yếu mà QH giao là bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong xác minh, phân loại việc và tiền có điều kiện thi hành và chưa có điều kiệnk thi hành. Hai là trên cơ sở phân loại án đó, chỉ tiêu phải thi hành xong 88% về việc và 77% về tiền
Căn cứ vào kết quả thực hiện trong 6 tháng 2014 và sự phục hồi dân của nền kinh tế, sự ấm lại của thị trường bất động sản, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng năm 2014 sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu QH giao.
Bộ trưởng cũng bày tỏ quyết tâm sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt với địa phương có lượng án nhiều, lượng án lớn, phức tạp như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hải Phòng...; Tổ chức đợt cao điểm về thi hành án, cần thiết tăng cường và điều động chấp hành viên từ địa phương này sang địa phương khác giống như đã làm với Tây Ninh năm 2013; Triển khai thực hiện tốt tốt quy chế phối hợp công tác thi hành án ký kết giữa các cơ quan chức năng cuối năm 2013 để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác thi hành án
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu cử tri hoan nghênh thời gian qua đưa ra xét xử nhiều đại án về kinh tế. Riêng vụ Huỳnh Thị Huyền Như gây thiệt hại tới 4000 tỷ nhưng cử tri rất buồn về thu hồi tài sản trong vụ án này rất thấp, chỉ khoảng dưới 10%. Vậy phần lớn kia đi đâu. Phải chăng cứ đi tù là xong?
Bộ trưởng cho rằng mỗi khi tòa án xét xử đại án về tham nhũng, người dân phấn khởi song lực lượng thi hành án thì rất lo do ở nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất, bài bản và minh bạch, cả về bất động sản và động sản và có sự cắt khúc nghiêm trọng trong tố tụng hình sự hiện nay trong từng công đoạn như điều tra, truy tố, đưa ra tòa án xét xử…
“Tất cả đang được nghiên cứu để đề xuất, cùng với Hiến pháp mới sẽ hoàn thiện thể chế, kết nối liên thông giữa hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự từ đầu, từ điều tra, truy tố, xét xử…” – Bộ trưởng cho biết.
“Chính sách hình sự với loại tội phạm tham nhũng sẽ được điều chỉnh như thế nào cho nghiêm minh” – Trả lời chất vấn này của ĐB Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Cường cho biết, liên quan đến tội tham nhũng, Ban sọan thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi theo hướng bổ sung một số tội phạm tham nhũng như tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được bằng nguồn nào mà có tài sản đó; kê khai tài sản gian dối; tham nhũng trong khu vực tư nhân; Chính phủ cũng đã đồng tình cho nghiên cứu bổ sung truy tố pháp nhân, cụ thể là các DN, tổ chức kinh tế, nhất là trong việc rửa tiền.
Trả lời chất vấn của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ phía Chính phủ có nhiều chuyển biến, được UBTVQH ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút khỏi chương trình. Thống kê cho thấy Chính phủ đề nghị lùi 13 văn bản và rút khỏi 2 văn bản, ít hơn nhiều so với nhiệm kỳ QH khóa XII
Nguyên nhân khách quan do một số dự án Luật của Chính phủ xin lùi để chờ tổng kết, chờ báo cáo và có kết luận của Hội nghị TƯ như Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc chờ thực hiện thí điểm, đang đàm phán những hiệp định quan trọng; để xem xét đồng bộ với những dự án luật khác như Luật Ngân sách sửa đổi;
Nguyên nhân chủ quan thì cũng có những dự án chuẩn bị chưa kỹ hoặc là chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh như Luật Đô thị, Luật Quy hoạch.
“Bộ thấy có trách nhiệm và xin nhận trách nhiệm trước QH về việc này” – Bộ trưởng Cường nói.
Là người nêu chất vấn cuối cùng vào chiều qua (11-6), ĐB Nguyễn Bá Thuyền hỏi: “Nếu nhân dân không chấp hành luật phạt rất ghê gớm… Vậy với 312 văn bản sai thì Bộ trưởng có nghĩ đến việc trong thời gian nhất định, có đề xuất với Chính phủ mở rộng quyền làm chủ của người dân để họ được khởi kiện văn bản sai quy định không?”
Đồng tình với chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Trong nhà nước pháp quyền cần nghiên cứu để bổ sung quy định người dân và DN được khởi kiện cơ quan nhà nước, trước mắt từ cấp Bộ trở xuống đến cấp địa phương nếu các cấp này chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây ra thiệt hại về vật chất cho họ. Hơn thế nữa, để tiếp tục cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cần nghiên cứu giao TAND Tối cao khi xét xử vụ án cụ thể, phát hiện văn bản của Bộ, địa phương trái Hiếp pháp thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó. Những vấn đề này cũng cần được nghiên cứu, sẽ đề xuất trong sửa Luật Tố tụng Hành chính tới đây”.
Trả lời chấn vấn của 2 ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) vàTrần Văn Độ (An Giang), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết việc rà soát những quy định của pháp luật liên quan đến quyền con, người quyền công dân, Thủ tướng giao cho Bộ chủ trì. Qua rà soát trong 155 luật, pháp lệnh có 29 luật, pháp lệnh cần sửa đổi bổ sung để phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Cuối phiên chất vấn, ĐB Phương Hữu Việt muốn làm rõ về nhận định của Bộ trưởng Hà Hùng Cường vào chiều 11-6 về “hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp khắc phục như thế nào?
Bộ trưởng Cường một lần nữa khẳng định như vậy và cho biết vào kỳ họp cuối năm, Bộ sẽ trình QH Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất thì các ĐB sẽ được hiểu rõ thêm nguyên nhân ra làm sao và định hướng “phát quang” hệ thống pháp luật của Việt Nam như thế nào.
Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định phần trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường đầy đủ, khá rõ ràng nhưng về trách nhiệm có phần nào còn lúng túng.
“Qua nội dung chất vấn này, chúng ta một lần nữa nhận thức sâu sắc hơn vai trò của Hiến pháp, pháp luật. Công tác xây dựng Hiến pháp, pháp luật tạo ra hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước thời gian qua nói chung có chuyển biến tốt, tích cực. Tuy nhiên, tại phiên họp, qua chất vấn và trả lời chất vấn, QH cũng lo lắng về hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề tồn tại như công tác xây dựng chương trình làm luật, tổ chức thực hiện pháp luật và công tác triển khai thực hiện pháp luật từ toàn bộ hệ thống chính trị tới người dân còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết” – Chủ tịch QH phát biểu thẳng thắn.
Chủ tịch đề nghị Bộ Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật của QH giúp QH, giúp thường vụ QH, giúp Chính phủ, Chánh án TAND tối cao kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết về thi hành Hiến pháp. Định kỳ họp QH sẽ báo cáo về tình hình thực hiện; Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật ban hành pháp luật hợp nhất theo tinh thàn xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những khuyết điểm, yếu kém trong tổ chức, hướng dẫn triển khai pháp luật.
Tiếp đó, QH chuyển sang phần chất vấn đối với Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.