(HNMO) - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, kết quả đánh giá 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ là chưa chính xác, bởi việc đánh giá còn mang tính nể nang.
Trong phiên chất vấn ngày 7-11 tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã nhận được nhiều chất vấn của đại biểu về công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Đây là một trong những nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời, gồm: Sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ là chưa chính xác
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) chất vấn về việc cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ có phản ánh đúng thực tế? Nếu không đúng thì nguyên nhân là gì?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo tổng hợp báo cáo từ hơn 40 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ là 0,63%. Viên chức cũng có tỷ lệ đánh giá tương tự. “Đánh giá trên là chưa chính xác”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Lý do là các địa phương khi xây dựng tiêu chí đánh giá chưa xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện về mức độ hoàn thành công việc, nên chỉ đánh giá chung chung; đánh giá còn mang tính nể nang, thủ trưởng ít khi được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thường được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; khi đánh giá, các công chức không muốn đơn vị được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.
Nói về sự nể nang, người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết, hơn 10 năm làm lãnh đạo, ông chưa khi nào tự đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Nhưng anh em nói nếu thủ trưởng không tự xếp loại hoàn thành xuất sắc thì mọi người làm sao xếp loại như vậy được”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.
Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu ban hành nghị định mới sửa đổi quy định về tiêu chí đánh giá công chức, viên chức theo hướng đánh giá đa chiều, đánh giá ngang-dọc, trên-dưới để kết quả được chính xác và thực chất...
Từ năm 2021, trả lương theo vị trí việc làm
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về xây dựng vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ giao Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của các tỉnh, bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, hơn một năm, từ 2015 đến 8-2016, Bộ không phê duyệt được đề án nào. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016, Bộ Nội vụ đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt. Sau hơn 3 năm, đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã làm rất tốt.
“Vấn đề còn lại là xác định Đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương. Đây là một vấn đề rất quan trọng”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Liên quan đến Đề án cải cách chính sách tiền lương, Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ lãnh đạo.
Bộ Nội vụ tổng hợp vị trí việc làm, chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương vào năm 2021.
Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm chỉ chia làm 4 nhóm, không nhiều như trước, nhằm dễ xếp lương.
Cả nước thiếu khoảng 87.000 giáo viên và 12.000 nhân viên y tế
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) đề cập thực trạng thiếu giáo viên và nhân viên y tế tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên. Đại biểu đặt câu hỏi, làm thế nào để bố trí đủ biên chế giáo viên và nhân viên y tế, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là 1,8 triệu người, 80% trong đó là giáo viên và nhân viên y tế.
“Thời gian vừa qua, một số địa phương phản ánh thực trạng không đủ số giáo viên và nhân viên y tế. Kết quả rà soát, thống kê của Bộ cho thấy hiện trên cả nước vẫn còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp và 12.000 nhân viên y tế”, Bộ trưởng nói.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế để có chính sách bổ sung biên chế. Bộ sẽ trình Chính phủ nghị định riêng về biên chế giáo viên bởi đây là lĩnh vực đặc thù.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thi, xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận vấn đề này và cho biết, thủ tục phiền hà không chỉ với nâng ngạch công chức, viên chức mà cả quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Thủ tướng
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện chưa có con số thống kê về tinh giản biên chế ở từng bộ. Với riêng Bộ Nội vụ, công tác sắp xếp, tinh giản biên chế đang thực hiện quyết liệt. Cụ thể, Bộ Nội vụ đã giảm 1 trường đào tạo, 19 đơn vị trực thuộc, 14 phòng của các vụ. Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ Nội vụ đã giảm 19 đơn vị. Nếu sắp xếp theo Quyết định 705/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức lại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, Bộ Nội vụ là đơn vị tiên phong, chỉ còn 1 đơn vị có chức năng đào tạo là Học viện Hành chính quốc gia.
Về chất vấn của đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang) cho rằng Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa “xin nhận khuyết điểm”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là một quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số có từ tháng 3-2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm. “Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng ngay trong tháng 12 để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận.
Bộ trưởng cho biết đã làm việc với một số lãnh đạo các cơ quan liên quan bàn về vấn đề cơ cấu của người dân tộc thiểu số sắp tới và biên chế đã được giao. Theo đó, việc thi tuyển công chức, viên chức người dân tộc thiểu số không thể tuyển dụng chung với người Kinh để đảm bảo cơ cấu.
Sẽ phân loại các chứng chỉ đào tạo
Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đà Nẵng) về việc có hay không chính sách đào tạo các chứng chỉ của cán bộ, công chức là để “nuôi” các cơ sở đào tạo? Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc đào tạo các chứng chỉ hiện nay đều đang tuân thủ theo quy định của Đảng và Nhà nước, Bộ Nội vụ không đặt ra quy định gì ngoài quy định của Đảng và Nhà nước. Vấn đề hiện nay là cần phân loại chứng chỉ nào phải thi để đủ điều kiện bổ nhiệm, chứng chỉ nào là bồi dưỡng để công chức có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới Bộ có chủ trương không phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Các cơ sở cần đào tạo theo kế hoạch đặt hàng của Nhà nước, không phải muốn thu bao nhiêu thì thu, muốn dạy thì dạy. Ngoài ra, Bộ cũng có chủ trương sẽ gom các sơ sở đào tạo; chương trình đào tạo cần gọn nhẹ, tiết kiệm, bố trí thời gian hợp lý, bảo đảm cho công chức thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) về số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng kết năm 2018 cho thấy, có 1.657 công chức bị xem xét xử lý kỷ luật, chiếm 0,21% tổng số công chức.
Chia theo hành vi thì: Vi phạm về quản lý công chức là 24,4%; vi phạm thi đua - khen thưởng là 0,1%; vi phạm khác như tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ ba là 75,5%.
Đã kỷ luật khiển trách 790 người (47,7%), cảnh cáo 448 người (29,5%), hạ bậc lương 87 người (5,3%), giáng chức là 51 người (3,1%), cách chức 100 người (6%), buộc thôi việc 141 (8,4%) người.
Về xử lý với viên chức, năm 2018 đã xử lý 3.020 người, chiếm 0,16% tổng số viên chức; trong đó các bộ, ngành xử lý 198 người (giảm 48 người so với năm 2017), địa phương xử lý 2.822 (tăng 98 người).
Các hành vi vi phạm của viên chức liên quan đến quản lý viên chức là 527 người, những vi phạm khác là 2.493 người. Về hình thức kỷ luật: Khiển trách 1.962 người, cảnh cách cáo 671 người, cách chức 78 người, buộc thôi việc 309 người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.