Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bồ” tri thức của làng Bình Vọng

Chí Kiên| 15/11/2015 06:35

(HNM) - Gần 17 năm qua, Thư viện làng Bình Vọng là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn người dân xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Một trong những người sáng lập và trông coi


Thư viện của nông dân

Đầu giờ chiều, nhiều người dân đã tới căn phòng đọc rộng chừng 50m2 của Thư viện làng Bình Vọng đọc những tờ báo ra trong ngày. Bà Nguyễn Thị Lụa, một độc giả quen thuộc của thư viện, cho biết: "Ngồi đọc ở thư viện vừa được thư giãn, vừa có thêm nhiều thông tin bổ ích. Ở đây chúng tôi cũng rất có ý thức bảo quản sách báo để mọi người cùng đọc". Cùng với việc ghim và ghi chú cẩn thận những tờ báo, bạn đọc của thư viện đã nghĩ ra nhiều cách lưu giữ tư liệu trên các tờ báo để mọi người cùng tham khảo. Dù đã về thế giới bên kia, nhưng việc sưu tầm đóng quyển những bài báo viết về sức khỏe tuổi già với tựa đề "Hãy tự bảo vệ sức khỏe" của cụ Nguyễn Văn Phúc vẫn giúp ích rất nhiều cho người dân trong làng, trong xã. Cuốn sách dày 300 trang, là kết quả làm việc miệt mài, kiên trì trong suốt 15 năm của cụ Phúc và đã được tái bản lần thứ hai. "Chúng tôi luôn ghi nhớ những đóng góp của cụ Nguyễn Văn Phúc, đây là việc làm tốt đẹp cho các thế hệ người đọc ở thư viện" - ông Lương Văn Tăng xúc động nói. Thư viện làng Bình Vọng có 5 đầu báo thường xuyên, gồm Nhân Dân, Hànộimới, Người cao tuổi, Nông thôn ngày nay và Quốc phòng Thủ đô. Ngoài những tờ báo trên được cung cấp bằng cách xã hội hóa với sự giúp đỡ của UBND xã Văn Bình, thôn Bình Vọng và một số tổ chức đoàn thể, Thư viện Bình Vọng còn có những đầu báo được chính người dân sưu tầm mang đến như báo Quân đội nhân dân, Kinh tế đô thị, Cựu chiến binh, Công an nhân dân...

Thư viện làng Bình Vọng thu hút nhiều người dân đến đọc.



Ngồi kín đáo ở một góc phòng đọc, ông Tuấn, một người dân của làng Bình Vọng đang chăm chú đọc cuốn Bách khoa thư về Hà Nội. Ông Tuấn nói: "Đây là bộ sách mới nhất của thư viện. Tôi mới đọc một số trang nhưng cảm nhận cuốn sách có nhiều thông tin hữu ích". Ông Tuấn cẩn thận ghi chú những thông tin hữu ích với mình ra một cuốn sổ tay: "Chép vào đây để tham khảo khi cần đến". Dù quy mô cấp làng, nhưng Thư viện làng Bình Vọng có đến gần 10.000 cuốn sách các loại, trong đó chiếm phần lớn là sách văn học (40%), rồi đến sách chính trị (20%), sách thiếu nhi (20%)... Cơ sở hạ tầng của thư viện được đầu tư đồng bộ, gồm phòng kho để sách báo với 12 giá, được sắp đặt ngay ngắn, theo từng chủ đề để bạn đọc dễ tra cứu như: Người Bình Vọng viết, viết về Bình Vọng; văn học kinh điển; thiếu nhi; sách giáo khoa; pháp luật; sức khỏe, lịch sử... Phòng đọc có đầy đủ bàn ghế, đèn chiếu sáng, quạt điện để phục vụ bạn đọc. Theo ông Lương Văn Tăng cho biết: Đầu sách đa dạng nên có từ 1.000 đến 1.200 lượt người đến đọc và mượn sách thường xuyên, chủ yếu là người cao tuổi, học sinh trong làng.

Làm giàu văn hóa đọc

Thư viện làng Bình Vọng đi vào hoạt động từ năm 1999, bắt nguồn từ ý tưởng muốn đưa văn hóa đọc về làng Bình Vọng của một số người cao tuổi. Ông Tăng cho biết: Những ngày đầu, thư viện chỉ có vài trăm cuốn sách, chúng tôi đã đến từng nhà để gặp gỡ, kêu gọi sự hảo tâm và nói về lợi ích của việc xây dựng thư viện, gây dựng văn hóa đọc cho làng". Vốn là vùng quê giàu truyền thống hiếu học nên việc làm ý nghĩa của những người cao tuổi nhanh chóng được người dân Bình Vọng hưởng ứng. Bản thân ông Tăng công tác trong quân đội nhiều năm, khi về nghỉ hưu, ông tặng toàn bộ tủ sách của mình cho làng. Ông Tăng nhớ lại: "Khi còn là người lính, mỗi lần nghỉ phép về quê thấy bọn trẻ trong làng rất hiếu học nhưng vì nhà nghèo không có tiền mua sách đọc, khi về nghỉ hưu tôi suy nghĩ mình phải làm gì đó để bọn trẻ không còn thiếu cái chữ".

Ngày đầu lập thư viện, dân làng Bình Vọng hồ hởi, người gom sách, người mua sắm bàn ghế, giá sách, người dọn dẹp, cải tạo gian nhà cũ ở đình làng để làm phòng đọc. "Ngày ấy, lũ trẻ trong làng là vui nhất vì từ nay không phải xuống thư viện huyện mượn sách nữa" - ông Tăng kể. Gần 17 năm hoạt động, Thư viện làng Bình Vọng nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân. Cụ Lê Đàm hằng ngày đạp xe đến các cửa hàng sách báo cũ ở đường Nguyễn Trãi, Láng, Đinh Lễ... mua những cuốn sách bằng chính tiền tiết kiệm chuyển về quê hương. Ông Lương Khắc Huệ sống ở Thái Nguyên, là người con quê hương Bình Vọng, trước khi mất ông đã hiến tặng toàn bộ tủ sách của gia đình với 250 cuốn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người khi nghe kể về thư viện đã tặng hàng trăm cuốn sách như bà Nguyễn Thúy Hòa ở TP Hồ Chí Minh đã gửi qua đường bưu điện tặng 150 cuốn sách...

Một mặt kêu gọi sự ủng hộ của những người con quê hương Bình Vọng, ông Tăng cùng với Ban Chủ nhiệm thư viện gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan chuyên ngành về thư viện để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ và tăng đầu sách báo. Từ năm 2008 đến 2011, được sự giúp đỡ của Thư viện quốc gia Việt Nam và Hội Hỗ trợ Thư viện và Giáo dục Việt Nam - Leaf, Thư viện Bình Vọng đã nhận hàng nghìn cuốn sách, với tổng giá trị 200 triệu đồng; sau đó là Quỹ Ford 60 triệu đồng tiền mua sách; Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tặng 100 cuốn sách; Báo Lao động tặng 300 cuốn... Hiện nay Thư viện làng Bình Vọng được Thư viện Hà Nội đổi sách lưu động 2 lần/năm với hơn 600 đầu sách; Thư viện huyện Thường Tín 250 đầu sách. Ông Tăng nói với chúng tôi: "Tất cả họ đều mong muốn đóng góp cho thư viện để là nơi người già có thể thư thái đọc sách, ngẫm sự đời, người trẻ tìm kiếm kiến thức trong cuộc sống, chúng tôi vô cùng cảm kích trước những tấm lòng".

Cùng với việc nâng cao chất lượng đầu sách, công tác quản lý thư viện cũng dần chuyên nghiệp hơn. Toàn bộ gần 10.000 cuốn sách của thư viện được đánh số ký hiệu và ghi vào sổ cập nhật. Thư viện đã cấp 550 thẻ đọc, chủ yếu phục vụ các cháu học sinh trong làng. Với độc giả là người cao tuổi không cần phải thẻ; người ngoài địa phương xuất trình giấy giới thiệu của UBND xã hoặc một loại giấy tờ tùy thân. Theo ông Lương Văn Tăng, để duy trì hoạt động của thư viện không thể không nói tới vai trò của đội ngũ cộng tác viên gồm 115 người, trong đó có 15 thành viên nòng cốt quản lý 7 đội trực thư viện liên tục 7 ngày trong tuần. Đáng quý là phần lớn cộng tác viên là người cao tuổi, làm việc tự nguyện với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, như ông Lưu Kim Thiện, bà Dương Thị Lộ, ông Trần Đình Lan, ông Chu Văn Chương, ông Đỗ Hữu Thắng, ông Lương Việt Tiến... Chị Trần Thị Hiền, cộng tác viên trẻ tuổi nhất cho biết: Đây là niềm vinh dự của chúng tôi với ước nguyện làm giàu văn hóa đọc đến từng người dân. Về thành công của thư viện, Chủ tịch UBND xã Văn Bình Nguyễn Văn Quang nhận định: "Từ ngày có thư viện, xóm làng yêu đọc sách, người dân nâng cao kiến thức, trẻ em ham học hơn, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học cao hơn. Thói hư tật xấu giảm, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Trong năm học gần đây nhất đã có gần 100 em đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Đây là mô hình cần nhân rộng ra nhiều địa phương để cổ vũ văn hóa đọc trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới".

Dù thư viện có sự đóng góp của nhiều người dân trong làng nhưng những đứa trẻ ở Bình Vọng vẫn quen gọi là "Thư viện ông Tăng". Năm nay đã ở tuổi 75, ông Đại tá Lương Văn Tăng cùng các cộng sự vẫn miệt mài ngày đêm bổ sung sách, báo, tài liệu cho "bồ sách" của làng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bồ” tri thức của làng Bình Vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.