(HNMO) - Đây là một trong những đề xuất quan trọng mà Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ.
Khoản tiền đề xuất được xóa là tiền nợ thuế của các DN gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan; tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với DN đã giải thể, phá sản, hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh, chết, mất tích mà không còn khả năng thu.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến cuối năm 2013 chiếm số lượng khá lớn, ước khoảng 9.110 tỷ đồng. Tổng số tiền mà DN chậm nộp do những nguyên nhân khách quan trong thời điểm kinh tế suy giảm từ năm 2013 trở về trước ước khoảng 1.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị chỉ áp dụng xóa nợ phạt chậm nộp với những đơn vị nộp đủ số thuế nợ trước ngày 31-12 năm nay. Riêng những DN kinh doanh bất động sản, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không được xoá nợ tiền chậm nộp thuế.
* Trước đó, Bộ Tài chính cũng chính thức lên tiếng về việc DN Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, vượt quá mức chịu đựng của DN. Bộ này cho hay, thuế, phí trong lĩnh vực tài chính, là khoản huy động của Nhà nước từ doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội nhằm phục vụ tài chính cho các hoạt động của Nhà nước và mang tính chất hoàn trả gián tiếp. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%. Trong đó, tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Trong khi đó, tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011-2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.