(HNMO) – Chiều 4/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô. Với 4 chương với 35 điều, dự án luật đã bổ sung nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội, xác lập và khẳng định rõ vị trí của Hà Nội với cả nước.
Bổ sung nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội
Dự thảo Luật Thủ đô Chính phủ trình Quốc hội gồm 4 chương với 35 điều.
Dự thảo Luật xác định 7 mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó có các vấn đề cụ thể như xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; con người Thủ đô; quy hoạch; kinh tế, xã hội và môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; bộ máy chính quyền.
Dự thảo Luật cũng có quy định cụ thể hơn về danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô”. Đây đơn thuần chỉ là danh hiệu mang tính chất tượng trưng, là một hình thức khen thưởng nhằm mục đích vinh danh những người có công lao đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Danh hiệu này không đồng nhất với khái niệm công dân của quốc gia được quy định trong Luật Quốc tịch.
Về tạo lập bộ mặt không gian Thủ đô xứng tầm với vị trí Thủ đô, dự thảo Luật đưa ra một số quy định như yêu cầu không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý theo đồ án quy hoạch; nhấn mạnh cả cảnh quan nội thành và cảnh quan ngoại thành, với yêu cầu về đảm bảo chất lượng không gian xanh chung và tạo lập hành lang xanh cho toàn Thủ đô; việc cải tạo, phục hồi các nhà cổ, nhà biệt thự cũ phải tuân thủ quy định về quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các hình thái kiến trúc, cảnh quan đô thị; yêu cầu việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, tạo lập các khu đô thị mới phải đảm bảo yêu cầu giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, nhưng không làm gia tăng đột biến dân cư...
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô, dự luật bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể. Cơ sở của các quy định này là Thủ đô, với tư cách là nơi hội tụ tương đối đầy đủ một số điều kiện vật chất và trình độ tri thức mà các tỉnh, thành phố khác trong cả nước không bằng, cần được tạo điều kiện để phát huy thế mạnh đó. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có quy định ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô, bảo đảm chất lượng giáo dục Thủ đô tiến tới ngang bằng với giáo dục phổ thông tiên tiến ở khu vực và thế giới; cho phép Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao (như ngoại ngữ, kỹ năng thực hành) ngoài chương trình chuẩn để áp dụng với các trường chất lượng cao. Hay trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, ưu tiên của Thủ đô là ứng dụng và phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch…
Ngoài ra, dự luật cũng đưa ra những quy định đòi hỏi yêu cầu cao và nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung của cả nước để giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý đô thị, môi trường, giao thông ở Thủ đô. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: không cho phép xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường, bệnh viện, không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có ở nội thành; thành phố Hà Nội tạo quỹ đất để xây dựng các cơ sở, công trình khi di chuyển ra khỏi nội thành và xây dựng nhà ở xã hội; một số chỉ số môi trường ở Thủ đô cao hơn tiêu chuẩn chung cho phép; giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở Thủ đô; dành diện tích đất xây dựng nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cao hơn so với quy định chung của pháp luật về nhà ở; thu phí lưu thông một số phương tiện giao thông ở nội thành nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm tình trạng quá tải về giao thông, ô nhiễm môi trường không khí; áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú; thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải…
Về quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô vẫn kế thừa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, nhưng đã giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô; các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành.
Về chính sách, cơ chế tài chính, dự thảo Luật Thủ đô có một số quy định về huy động nguồn lực theo hướng kết hợp việc tạo cơ chế mở để Thủ đô huy động các nguồn lực sẵn có trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế của mình với ngân sách nhà nước đầu tư cho Thủ đô. Ví dụ, đối với nguồn lực xã hội hóa, dự thảo Luật trao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành chính sách, cơ chế tài chính đặc thù nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh về nguồn lực đất đai trên địa bàn Thủ đô để đầu tư cho việc xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định rõ các khoản tiền thu được từ việc tăng mức thu một số loại phí, thu phí bổ sung, phạt vi phạm hành chính, như đã trình bày trên đây, được sử dụng để đầu tư, mở rộng và nâng cấp các công trình hạ tầng ở Thủ đô.
Đối với ngân sách nhà nước, dự luật quy định “… dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác làm cơ sở xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán, trừ các khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước và các khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu hoặc các khoản thu không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán thu, nộp ở Thủ đô, để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô”.
Dự thảo Luật cũng cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhưng chưa được pháp luật quy định. Việc ban hành văn bản trong trường hợp này phải trên cơ sở đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.
Chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách ổn định, lâu dài
Báo cáo thẩm tra Dự án luật của Ủy ban pháp luật tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cũng nhấn mạnh, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố Hà Nội cũng giống như các địa phương khác là phải phù hợp quy định của Hiến pháp về nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước ở nước ta. Việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Vì thế, không thể quy định giao cho “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù chưa được pháp luật quy định; hay quy định về “công dân danh dự Thủ đô”…
Ủy ban pháp luật cũng tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cho rằng, những cơ chế, chính sách đặc thù phải được xây dựng dựa trên đặc điểm Hà Nội là Thủ đô của cả nước và những cơ chế, chính sách này cần được quy định cụ thể ngay trong Luật chứ không thể quy định chung chung về mục tiêu của cơ chế, chính sách đó, còn cơ chế, chính sách cụ thể như thế nào thì lại giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Cùng với việc đặt ra cho Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng mở hơn so với các địa phương khác, Ủy ban đề nghị dự luật cần phải đặt ra các quy định mang tính ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ hơn. Đồng thời, các cơ chế, chính sách đặc thù đặt ra cho Hà Nội ngoài việc phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, còn cần phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, cần cân nhắc việc có nên quy định quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và không thống nhất với các luật khác hay không để bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những quy định đặc thù chỉ nên đặt ra khi chứng minh được tính hợp lý, hiệu quả và khả thi. Đồng thời, cũng chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách có tính ổn định lâu dài, còn đối với những cơ chế, chính sách chỉ cần triển khai thực hiện trong một thời gian nhất định thì không nên điều chỉnh trong Luật mà nên để quy định trong các văn bản thường niên của Quốc hội.
Đáng chú ý, về việc áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính và quy định mức thu một số loại phí ở khu vực nội thành cao hơn so với mức áp dụng chung cho cả nước, Ủy ban pháp luật đề nghị cần nghiên cứu thêm để có giải pháp phù hợp. Việc quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn cũng cần được xem xét toàn diện các điều kiện về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời, cần tính đến đặc thù ở Hà Nội là số lượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông rất lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.