(HNM) - Vàng - món
Sau khi tạo ra cú "sốc" trượt giá gây choáng váng cho các nhà đầu tư vào giữa tháng 7, những ngày đầu tháng 8, vàng vẫn không phát đi bất kỳ tín hiệu sáng sủa nào khi các sàn giao dịch kim loại quý trên toàn thế giới vẫn nhuốm một màu đỏ. Theo Hãng tin tài chính Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 4-8, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex giảm 0,1% xuống 1.087USD/ounce.
Ngay phiên trước đó, giá vàng cùng các hàng hóa nguyên liệu khác đã chọc thủng đáy 12 năm, xóa sạch mức tăng của siêu chu kỳ hàng hóa kéo dài một thập kỷ qua. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vàng đã "bốc hơi" mất gần 9% giá trị. Còn ngay trong tháng 7, giá vàng đã mất 7%, mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 6-2013 và là tuần giảm giá thứ 6 liên tiếp - dài nhất kể từ 1999.
Vàng được cho là có thể giảm xuống mức 800USD/ounce. Ảnh: An Nhi |
Ngày càng nhiều người tin rằng kim loại quý sẽ tiếp tục đà trượt dốc trong thời gian tới. Mới đây, trả lời câu hỏi của Bloomberg, 16 chuyên gia phân tích và đầu tư đều cho rằng, đến cuối năm nay "mốc giá tâm lý" 1.000USD/ounce sẽ bị phá vỡ và đến đầu tháng 1-2016, giá vàng sẽ chỉ còn 984USD/ounce. Trong khi đó, các chuyên gia của Tập đoàn Tài chính Mỹ Morgan Stanley thì tự tin dự báo "đáy" của giá vàng thế giới rất có thể sẽ ở mức 800USD/ounce.
Nhìn lại thời "hoàng kim", giá vàng đã có lúc lên tới ngưỡng 1.911USD/ounce vào tháng 9-2011, thời điểm hậu quả của khủng hoảng kinh tế khiến cả thế giới chao đảo. Lúc đó, vàng được coi là một kênh "trú bão" an toàn cho các nhà đầu tư trong lúc USD, dầu mỏ, chứng khoán liên tục giảm sàn. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiền nền kinh tế lớn đã bắt đầu bình ổn và tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, mức lạm phát hiện nay rất thấp, mối lo sợ khủng hoảng tài chính liên quan đến Hy Lạp cũng đã tạm lắng dịu. bên cạnh đó, vàng cũng cùng chung số phận với các nguyên liệu khác hiện đang trong tình trạng cung cao hơn cầu rất nhiều. Số liệu thống kê của GFMS, một trong những công ty hàng đầu về phân tích thị trường vàng và các kim loại quý cho thấy, nhu cầu về vàng trên toàn thế giới trong quý II-2015 đã giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 20,5% so với quý I/2015.
Sản xuất vàng trên thế giới năm qua đã giảm 6%, lượng vàng dư thừa không có nhu cầu trên toàn thế giới hiện nay đang là 196 tấn. Thêm một nguyên nhân khác khiến giá vàng khó có "cửa" để đảo chiều đó là việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị kế hoạch nâng lãi suất vào cuối năm nay. Điều này sẽ khiến đồng USD mạnh lên, kích thích các nhà đầu tư chuyển từ các kênh dự trữ khác sang Mỹ kim.
Tính trong vòng 3 năm qua, sự đi xuống của giá vàng đã khiến các nhà đầu tư bị thiệt hại khoảng hơn 40%. Người ta cũng đã liệt kê danh sách một loạt quốc gia chịu ảnh hưởng đáng kể từ cơn biến động của giá vàng, trong số đó có Chile, Nam Phi, Australia, Brazil... Mới đây, có nguồn tin cho rằng, Nga cũng là một trong những "nạn nhân" của "cơn địa chấn" này. Theo Báo Die Welt (Đức), kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát, Nga đã đặt cược vào việc tăng đáng kể dự trữ vàng nhằm thay thế dự trữ ngoại tệ đồng USD, euro. Trong vòng 8 năm, Nga đã tăng gấp 3 lượng vàng dự trữ, từ 400 tấn lên 1.275 tấn như hiện nay và trở thành nước có dự trữ kim loại quý lớn thứ 6 trên thế giới. Tốc độ giảm chóng mặt của giá vàng có thể khiến Mátxcơva thiệt hại khoảng 15 tỷ USD.
Hiện tại, diễn biến ngày một tiêu cực trên thị trường vàng đang làm gia tăng lo ngại về việc sẽ xảy ra làn sóng bán tháo kim loại này trong thời gian tới. Một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Anh còn không ngần ngại đưa ra nhận định: "Vàng giờ đã không còn là thứ hàng thời thượng. Nó cũng giống như bộ quần áo đã lỗi mốt khiến cho những tín đồ thời trang chẳng còn mặn mà muốn mua sắm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.