Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ phim "Lửa Phật": Thổi bùng chuyện quảng cáo trong phim

Hà Dương| 01/09/2013 06:20

(HNM) - Những gờn gợn trong bộ phim

Quên cảm xúc người xem?

Những ồn ào quanh nghi án quảng cáo rượu trong "Lửa Phật" dấy lên sau khi bộ phim này được công chiếu rộng rãi, nghĩa là nó đã là phim có giấy thông hành ra thị trường, được "lọc" qua Hội đồng duyệt phim quốc gia. Về điều này, Cục Điện ảnh cho biết: Hội đồng duyệt phim, bộ phận tư vấn cho Cục không có ý kiến gì về chuyện có quảng cáo rượu trong phim. Hai văn bản giải trình của nhà sản xuất và đạo diễn gửi tới Cục Điện ảnh cũng khẳng định không có quảng cáo rượu và những hình ảnh trong phim là nhằm phục vụ cho nội dung cảnh quay về quán bar Ánh trăng. Cục Điện ảnh cũng nêu hiện có hai luồng ý kiến: Một là có quảng cáo rượu trong phim "Lửa Phật" như đã nêu trên, hai là việc quảng cáo chỉ là suy diễn. Cả hai luồng ý kiến này đều đáng quan tâm, xem xét.

Cảnh trong phim “Lửa Phật”.


Cho đến nay dẫu chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nhưng vấn đề là đã có phản ứng của người xem và điều này đối với nhà làm phim là chuyện khó có thể thờ ơ. Nếu đã xem phim thì phải công bằng mà nói rằng dư luận về một clip quảng cáo thô thiển, trắng trợn trong phim là không có, nhưng cũng có thể thấy những cảnh quay dù lướt rất nhanh, chỉ chừng vài giây, song cũng đủ "tố cáo" ý đồ quảng cáo với định dạng chai, thậm chí cả nhãn hiệu của một loại rượu (có nồng độ cồn trên 15 độ, thứ mà Luật Quảng cáo cấm quảng cáo dưới mọi hình thức). Như vậy, dù Hội đồng duyệt đã thông qua, nhà sản xuất khẳng định không quảng cáo, thanh tra chưa kết luận nhưng khán giả đã "tuýt còi". Vậy thì có nên bỏ qua sự nhạy cảm của người xem, nhất là khi mà phim Việt (đặc biệt là phim truyền hình) lâu nay đã lạm dụng đến mức chai lì chuyện quảng cáo, bất chấp sự khó chịu, bức xúc của khán giả.

Trong giới truyền thông cũng có những nhận định khó phủ nhận như: Những hình ảnh về rượu kèm lời khen rượu ngon của các nhân vật trong phim là vô duyên, thậm chí không phục vụ gì cho diễn biến, kịch tính câu chuyện. Bên cạnh đó, nếu phải dùng đạo cụ là chai rượu thì quan điểm của người viết là tại sao phải dùng một định dạng chai quá đặc trưng như vậy, mà không dùng định dạng chung chung, thậm chí là "giả tưởng" như sự logic cho phép của thể loại phim này?

Xử lý quảng cáo trong phim: Tưởng dễ mà khó!

Phơi bày trước ống kính với hàng triệu người xem, quảng cáo trong phim là thứ dễ nhận ra nhất. Bằng chứng là khán giả từng "tuýt còi" rất nhiều phim cả điện ảnh, truyền hình vì những màn quảng cáo lộ liễu hoặc chả ăn nhập gì với nội dung phim như "Sài Gòn Yo!" hay "Chuyện tình xa xứ", "Váy hồng tầng 24"… Quảng cáo, theo như chia sẻ của người làm phim, thì đôi khi như một "sự sống còn" đối với sự ra đời của tác phẩm. Biết là cần, nhưng nếu như cứ cố nhồi nhét bằng được những hình ảnh quảng cáo lộ liễu, thô thiển vào phim thì khó trách khán giả phản ứng.

Trở lại với "Lửa Phật", chuyện quan trọng tới đây là nếu kết luận có quảng cáo rượu thì sẽ xử lý ra sao? Còn nếu kết luận không có quảng cáo, và những hình ảnh về rượu này là chấp nhận được, thì liệu nó có tạo ra tiền đề xấu cho những hình thức trá hình quảng cáo những thứ cấm như rượu, thuốc lá… hay không?

Luật sư Phạm Thành Tài (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới: "Ngoài Luật Quảng cáo số 16/2012 có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 với Điều 7 cấm quảng cáo "Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên" thì Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 cũng quy định tại khoản 15 Điều 22 về các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu trong đó có hành vi: "Tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí… có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu". Nhưng để xử lý được những hoạt động này là rất khó, đòi hỏi nhiều quy định chi tiết hơn, như thế nào được cho là hành động quảng cáo rượu: Lộ nhãn mác hay lộ định dạng, màu sắc vỏ chai, thời gian của hình ảnh là bao nhiêu, góc quay thế nào…?".

Một bộ phim Việt khác đang chiếu trên truyền hình cũng bị đặt câu hỏi: Các nhân vật trong phim luôn chỉ uống một loại rượu, và cũng không khó nhận ra đó là loại rượu gì, chỉ có điều nó không hợp lý ở chỗ nhân vật toàn công tử nhà giàu nhưng loại rượu uống thì lại rẻ tiền, không phù hợp với logic thực tế…? Vậy khó mà cấm người xem nghi ngờ liệu có việc "tài trợ" và "trá hình quảng cáo" ở đây không?

Vì vậy, vấn đề đặt ra tới đây là các cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ hơn cũng như có các chế tài cụ thể để xử lý về các hành vi quảng cáo trong điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ phim "Lửa Phật": Thổi bùng chuyện quảng cáo trong phim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.