Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)
dự báo, Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn Việt Nam duy trì vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn.
Theo USDA, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.
Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines tăng 13%, Côte d'Ivoire tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,1%.
Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.
Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo. Do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, đạt trung bình 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với giá cùng kỳ năm ngoái nên tuy giảm 10,8% về lượng nhưng tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt 1,01 tỷ USD, tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.