(HNMO) - Chiều 22-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với các bộ về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và sẽ có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 tháng năm 2020.
Theo Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 28 văn bản quy định chi tiết; hiện nay còn 26 văn bản chi tiết (25 nghị định, 1 quyết định) thi hành các luật đã có hiệu lực đang chờ hướng dẫn nhưng chưa được ban hành.
Trong đó, Bộ Nội vụ có số văn bản nợ đọng nhiều nhất (7 nghị định). Tiếp sau là Bộ Tài chính (6 nghị định); Bộ Công an (4 nghị định, 1 quyết định); Bộ Giáo dục và Đào tạo (3 nghị định). Còn lại các bộ, cơ quan ngang bộ có 1 văn bản nợ đọng, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp.
Cũng theo báo cáo, từ ngày 1-1-2021 có thêm 2 luật, nghị quyết đã được kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV thông qua sẽ có hiệu lực, với 23 văn bản (2 nghị định, 1 quyết định) quy định chi tiết cần ban hành để có hiệu lực đồng thời với luật. Ngoài ra, còn có 9 luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, với tổng số 26 văn bản (25 nghị định, 1 quyết định) cần ban hành để có hiệu lực cùng các luật này).
Như vậy, từ nay đến hết năm, các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng số 75 văn bản. Trong đó có 26 văn bản nợ đến thời điểm hiện nay và 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2021.
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, nhìn chung, tiến độ soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý trình ban hành các văn bản quy định chi tiết trong những tháng đầu năm 2020 rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác tổ chức thi hành pháp luật, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo tại buổi làm việc, một số bộ thừa nhận việc chậm, muộn văn bản ngoài nguyên nhân khách quan là tình hình dịch Covid-19 còn có cả nguyên nhân chủ quan, đồng thời đưa ra cụ thể hạn nộp văn bản đã nợ đọng. Bên cạnh đó, một số bộ xin lùi thời hạn nộp vào tháng 10-2020 đối với một số văn bản để phù hợp với tình hình thực tế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị tất cả những văn bản nợ đọng và chương trình công tác chưa hoàn thành, các cơ quan phải giữ đúng thời gian cam kết. Theo Bộ trưởng, việc chậm tiến độ có nhiều lý do nhưng trước hết do cơ quan chủ trì.
Đồng chí khẳng định, Văn phòng Chính phủ sẽ kiểm điểm nghiêm túc những việc thuộc trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ. Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan, tăng cường làm việc theo nhóm để sớm tháo gỡ được các vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản.
Về cách làm, thời gian tới sẽ theo hướng giảm dần các văn bản qua việc ban hành 1 văn bản mới sẽ hủy 1 văn bản cũ, đồng thời hạn chế ban hành nhiều thông tư. “Trong phiên họp Chính phủ sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất 1 luật không có quá 2 nghị định; 1 nghị định không quá 2 thông tư và có những nghị định không cần thông tư hướng dẫn…”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.