(HNMO) - Tính đến 12h ngày 21-7, thành phố Hồ Chí Minh có 38.837 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 292 ca nhập cảnh, còn lại là ca mắc trong cộng đồng; số ca điều trị thành công, xuất viện là 4.837 trường hợp. Hiện có 492 bệnh nhân nặng, đang thở máy, trong đó có 9 ca ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo); 332 ca tử vong. Cùng với sự nỗ lực của thành phố, các bộ, ngành trung ương và các địa phương trên cả nước đã vào cuộc, chia lửa với tuyến đầu chống dịch.
Bệnh viện tuyến trung ương tiếp sức
Chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xong hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô đến 50.000 giường trực thuộc Sở Y tế. Cùng với đó, thành phố cũng đã triển khai Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường, tận dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vừa được xây xong. Bệnh viện này hoạt động theo phân cấp như bệnh viện trung ương đặc biệt trên địa bàn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, trang thiết bị y tế chuyên dụng của bệnh viện đã được trang bị đầy đủ. Riêng máy thở, Bộ Y tế đã chuyển vào kho dã chiến phía Nam hơn 2.000 chiếc.
“Hiện, bệnh viện có quy mô đáp ứng 460 giường điều trị; đã tiếp nhận 249 bệnh nhân nặng. Thời gian tới, sẽ tăng quy mô đáp ứng 700 giường, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 tại thành phố”, ông Nguyễn Tri Thức thông tin.
Hiện, bệnh viện có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn có 100 giường chăm sóc đặc biệt, triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch. Chỉ trong vài ngày, 30 máy thở chức năng cao, 100 máy bơm điện, thiết bị monitor, 1 hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), 7 máy lọc thận, 10 máy thở chức năng cao không sử dụng khí nén... đã được chuyển từ kho dã chiến phía Nam của Bộ Y tế đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động tận dụng nguồn lực hiện có, ưu tiên cơ chế, chính sách để hoàn tất việc cung ứng vật tư, thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến cuối, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược giảm thiểu số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, sau khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị thành công cho 106 bệnh nhân nặng thoát khỏi tình trạng nguy kịch, được chuyển xuống các bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Một bệnh viện tuyến trung ương khác là Bệnh viện Quân y 175 đã chia lửa cùng ngành Y tế thành phố, với việc đưa vào hoạt động 200 giường điều trị tích cực cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Điều trị Covid-19 trong khuôn viên bệnh viện; biên chế 123 y, bác sĩ.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Bệnh viện đã triển khai xong Trung tâm Điều trị Covid-19 ngay trong 48 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, bước đầu có thể tiếp nhận được 200 bệnh nhân vừa và nặng”.
Hiện, Trung tâm Điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175 được trang bị đầy đủ máy thở, hệ thống dưỡng khí, hệ thống lọc máu, cả hệ thống ECMO… và đã tiếp nhận 22 bệnh nhân đến điều trị.
Các địa phương “chia lửa”
Sáng 21-7, Hội đồng hương Quảng Nam tại thành phố Hồ Chí Minh thông tin, 10 xe khách cỡ lớn đã xuất phát từ Quảng Nam vào thành phố Hồ Chí Minh để đón người dân Quảng Nam tạm rời vùng dịch về quê cách ly. Đây cũng là biện pháp nhằm góp phần giảm sức ép dân sinh tại thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trước đó, vào tối 20-7, tỉnh Bình Định đã tổ chức đưa 190 công dân từ thành phố Hồ Chí Minh đi máy bay về sân bay Phù Cát để về quê. UBND tỉnh Bình Định cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến bay tương tự để đưa người dân Bình Định và các tỉnh, thành phía Nam có nguyện vọng về Bình Định cách ly phòng dịch.
Cũng trong ngày 20-7, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời UBND thành phố Đà Nẵng về việc phối hợp đưa công dân Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh hồi hương trong đợt 1. Sở Giao thông Vận tải thành phố sẽ phối hợp với các bên tổ chức đưa, đón người dân về quê đến nơi tập kết đúng quy định.
Cùng ngày, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch đón công dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Tỉnh sẽ lập trang web để người dân đăng ký về quê; giao ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh làm việc với các địa phương để nắm số người; phối hợp hội đồng hương tại các tỉnh phía Nam tổ chức đưa, đón người về.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng vừa chi viện nhân lực, vật lực hỗ trợ ngành Y tế thành phố chống dịch, vừa lên kế hoạch dùng các phương tiện đường bộ, đường sắt và đường hàng không để đón công dân của mình từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch.
Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.