Bất chấp kiến nghị hoãn tăng phí đường bộ của Bộ GTVT, một số trạm thu phí BOT đã rậm rịch áp mức phí mới sau khi được Bộ Tài chính
Các trạm thu phí BOT rậm rịch tăng phí. |
Được Bộ Tài chính bật đèn xanh, các trạm thu phí BOT trong diện được điều chỉnh đã rậm rịch áp mức phí mới. Chẳng hạn, trạm Ninh An, tỉnh Khánh Hòa sẽ tăng phí từ ngày 10.1.2016.
Với xe dưới 12 chỗ ngồi, mức phí sẽ tăng gấp hơn 2 lần từ mức 15.000 đồng/lượt lên mức 35.000 đồng/lượt, với xe tải tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet, mức phí cũ 120.000 đồng/lượt tùy trọng tải xe sẽ nhân lên gần 2 lần lên mức 200.000 đồng/lượt.
Việc điều chỉnh này được tiến hành sau khi Bộ Tài chính có văn bản chính thức từ chối đề xuất hoãn tăng phí sử dụng đường bộ của Bộ GTVT. Lý giải về quyết định này, Bộ Tài chính cho rằng để lùi thời hạn tăng phí của các trạm BOT, Bộ sẽ phải có 23 thông tư mới thay thế thông tư cũ trong khi đề xuất của Bộ GTVT gửi quá muộn vào ngày 25/12/2015 (cách ngày tăng mức phí 1 tuần) nên thời gian để điều chỉnh là quá ngắn.
Bộ Tài chính khẳng định không kịp nghiên cứu, đánh giá xem xét để ban hành các thông tư mới. Ngoài ra, các trạm đã in và bán vé tháng, vé quý nên không thể thực hiện lùi thời gian tăng phí như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó ngày 25.12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp về lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1.6.2016 và xem xét quyết định điều chỉnh thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.
Những thay đổi này ngay lập tức tác động mạnh mẽ tới chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vận tải.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng Bộ tài chính đang tìm cách tận thu để bù đắp thâm hụt của ngân sách. Việc này không chỉ làm méo mó thị trường vận tải mà còn khiến doanh nghiệp cũng như người dân phải chịu tình trạng "phí chồng phí".
Ông Liên cho rằng đang có quá nhiều bất cập khi mật độ các trạm thú phí dày đặc, mức phí cao. "Chung quy lại là người dân chịu hết, còn DN vận tải nếu không trụ được thì phá sản", ông Liên nhận định.
Cùng quan điểm với đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp vận tải khi được hỏi đều cho rằng họ đang bị lạm thu khi vừa phải đóng phí đường bộ hàng năm vừa bị thu phí qua trạm BOT. Không những phí tăng cao mà mật độ các trạm BOT ngày càng dày đặc khiến chi phí vận tải đội lên cao.
Không chỉ doanh nghiệp, những người dân sống trong các khu vực có trạm thu phí đều tỏ thái độ phản đối việc điều chỉnh phí này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.