Tại cuộc họp báo quý III của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm tới, bộ vẫn giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh và cấu trúc lại các trường ĐH, CĐ để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, sửa đổi lại Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Kì thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tác động tích cực của kỳ thi được thể hiện ở một số phương diện như giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội; góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề; hạn chế học thêm, dạy thêm, tạo điều kiện cho việc tổ chức thi nghiêm túc…
Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận về mặt yếu của mùa tuyển sinh vừa qua đó là còn tồn tại trong công tác tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng. Cụ thể, công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt dẫn đến một số thí sinh, gia đình, nhà trường nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn còn chưa hiểu hết các quy định mới về tuyển sinh, nên việc đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển còn có sai sót; thời gian xét tuyển đợt 1 quy định 20 ngày là quá dài, về thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt 1 chưa hợp lý; vấn đề kỹ thuật còn bất cập…
Trước những hạn chế, bất cập đó, Bộ GD-ĐT đã chủ động có phương án xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
“Tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho những năm tới trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc Bộ GD-ĐT quy định cấp 4 giấy báo điểm vừa qua, sử dụng phần mềm quản lý chung để hạn chế tình trạng hồ sơ “ảo”, trúng tuyển “ảo” ở các đợt xét tuyển, đặc biệt là đợt 1.
Tiết lộ về hướng tuyển sinh năm tới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: Hội nghị tổng kết ngày 22/10 cũng sẽ bàn phương hướng tuyển sinh năm tới là tăng quyền tự chủ cho các trường. Một trong một phương án có thể được đưa ra thảo luận đó là sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ xác định xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm, làm thủ tục xét tuyển như năm vừa qua.
Bộ GD-ĐT sửa lại quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Trước câu hỏi của phóng viên về thực trạng số lượng thí sinh hàng năm đi học ĐH, CĐ chỉ dao động ở khoảng từ 500.000 -550.000 trong khi đó tổng chỉ tiêu lên hơn 600.000 nên dĩ nhiên sẽ có trường khó tuyển sinh. Bộ GD-ĐT giải quyết bài toán này như thế nào khi theo quy định hiện hành các trường được xác định chỉ tiêu, quy mô thí sinh thì không tăng?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Đúng là có tình trạng như trên và nếu không có sự thay đổi thì chắc chắn sẽ không có nguồn tuyển. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh để nâng cao chất lượng. Mặc dù các trường được xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng căn cứ vào nhu cầu thực tế và hướng tới chất lượng nên sẽ không tính toán đến việc tăng quy mô về số lượng. Để đảm bảo tính pháp lý, Bộ GD-ĐT đang sửa đổi lại Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác tuyển sinh, chất lượng các trường ĐH, CĐ |
“Vào ngày 22/10 tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối ĐH, CĐ. Tại Hội nghị này sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm và phân công trách nhiệm cụ thể như: Cơ cấu lại hệ thống đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, Nhân rộng mô hình tự chủ đại học, phát triển chương trình đào tạo phù hợp với khung trình độ, định hướng mục tiêu đào tạo phù hợp thị trường lao động, Kiểm định chất lượng, tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ…” – Thứ trưởng Ga cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, nhiều năm liền, có một số trường tuyển sinh khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội và đội ngũ. Chính vì thế việc cơ cấu lại hệ thống ĐH theo hướng các trường khó khăn trong tuyển sinh có thể liên kết với các trường mạnh để đào tạo, thậm chí có thể trở thành phân hiệu của các trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.