(HNM) - Tăng lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức trên 7%, đạt mức kỷ lục kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành 11 năm trước đây, Bồ Đào Nha vẫn chưa từ bỏ nỗ lực tự cứu mình. Cuộc vùng vẫy của Lisbon chưa biết có thể bù đắp được bao nhiêu cho nền kinh tế đang khát vốn.
Song sự khuấy động thị trường trái phiếu bằng lãi suất trái phiếu đã làm sâu sắc thêm mối hoài nghi về khả năng quốc gia Tây - Nam Âu này sẽ đi vào vết xe đổ mang tên Hy Lạp - Ireland.
Người dân Bồ Đào Nha bất bình trước chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ. |
Cho tới giờ, Bồ Đào Nha vẫn khẳng định sẽ tự xoay sở số vốn khoảng 20 tỷ USD, tương đương 11% GDP mà nước này cần trong năm nay. Tuy nhiên, với một thị trường được đánh giá là có tính cạnh tranh thấp và trì trệ cùng những khoản vãng lai hổng và thâm hụt ngân sách khổng lồ, mức lợi nhuận hào phóng của Lisbon không khỏa lấp được sự xa lánh của giới đầu tư. Người ta không lý giải được với triển vọng kinh tế u ám như hiện nay, xứ Bồ sẽ lấy gì để thanh toán khoản nợ công đã lên tới 143 tỷ euro. Nguy cơ đó đã khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tung tiền mua trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha nhằm ngăn sự bán tháo ồ ạt trên thị trường, được coi là sẽ khiến giấc mơ thoát hiểm của người Bồ tan thành mây khói trong phút chốc.
Tuy nhiên, chi phí vay mượn cao đến kinh ngạc trong điều kiện nền tài chính khốn đốn bởi nợ công và tăng trưởng thấp, hầu hết các ý kiến đều tin rằng dù muốn hay không, việc Bồ Đào Nha xin cứu viện từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuyên bố của Thủ tướng José Sócrates rằng chính phủ không có ý định tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để giải quyết vấn đề nợ công và sẽ làm mọi việc để tránh một kết cục như vậy, được đánh giá là một quyết tâm duy ý chí. Đặc biệt khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Lisbon đang mất dần khả năng tiếp cận thị trường vốn. Những ký ức chưa thể phai mờ về sự đổ vỡ của Hy Lạp và Ireland là kinh nghiệm thực tế khẳng định cho lời đồn đoán đó. Cũng từng cho rằng sẽ tự bơi trong dòng nước xoáy, nhưng khi lãi suất trái phiếu vượt 6%, hệ thống ngân hàng ngập ngụa trong nợ nần, Hy Lạp đã phải cúi chào thị trường và ngay sau đó chấp nhận gói cứu trợ 115 tỷ euro từ EU và IMF như chiếc phao cứu sinh để sống sót. Ireland cũng không khá hơn. Chẳng bao lâu sau khi kiên quyết phủ nhận về một gói bảo lãnh nợ, Dublin đã tự nguyện thực thi những biện pháp tài chính ngặt nghèo để có thể nhận được hỗ trợ 85 tỷ euro từ chủ nợ khó tính. Vì vậy, mọi suy nghĩ đều đang hướng vào khả năng ngày mà Lisbon nộp đơn xin giải cứu không còn xa. Thời điểm này lâu hay mau sẽ phụ thuộc vào độ "chịu nhiệt" về lãi suất trái phiếu và áp lực từ EU mà đi đầu là Đức và Pháp.
Mặc dù bác bỏ thông tin Berlin và Paris đang tăng sức ép buộc Lisbon xin cầu viện, nhưng rõ ràng sự ổn định của cả khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa qua cơn nguy biến khiến những bậc "đàn anh" trong EU không thể để Bồ Đào Nha một mình một ngựa. Nếu không kịp ngăn cản những diễn biến xấu, việc các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Lisbon sẽ dẫn đến sự hoang mang nguy hiểm cho thị trường tài chính. Hỗ trợ Bồ Đào Nha để có thể bảo vệ được Tây Ban Nha, quốc gia bị xem là đang nắm giữ vận mệnh của Eurozone. Trong trường hợp xứ sở Bò tót cũng cần được ứng cứu, khả năng tài chính của Eurozone sẽ bị đẩy tới giới hạn nguy hiểm.
Thế nhưng, Bồ Đào Nha dường như chưa sẵn sàng trở thành "con bệnh" cần cầu cứu tới Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp thắt chặt chi tiêu. Ngoài lo ngại về tổn hại uy tín, Bồ Đào Nha vẫn chưa quên bài học từ những cải tổ khắc nghiệt mà Lisbon phải chấp nhận để đổi lấy viện trợ từ IMF hồi những năm 1970. Dẫu vậy, không có nhiều tin tốt củng cố thêm cho niềm tin yếu ớt từ xứ Bồ và chỉ có phép thần mới giúp Lisbon tránh được một hành trình nhiều gian khó đã ở ngay trước mặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.