Chương trình nghị sự thảo luận gói giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussells (Bỉ) trong hai ngày 24 và 25-3 đã bị bao phủ bởi
Cuộc biểu tình bên ngoài Hội nghị Thượng đỉnh EU nhằm phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong toàn khối.
Quyết định từ chức của Thủ tướng Jose Socrates (ngày 23-3), sau khi kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới của ông không được Quốc hội nước này thông qua có thể mở ra thời kỳ bất ổn chính trị cho Bồ Đào Nha đúng vào thời điểm "cơn bạo bệnh" mang tên nợ công đang đến hồi kịch phát.
Hiện tại, tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bồ Đào Nha đã lên tới 90%, trong đó 70% là các khoản nợ nước ngoài. Điều này có nghĩa Bồ Đào Nha khó có thể xoay sở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách cũng ở mức kỷ lục - 8% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp đã vượt mức 11% - cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Tình trạng tài chính bấp bênh là lý do đẩy tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm lên tới 7,8%. Đây là mức cao kỷ lục trong khu vực đồng euro và là mức lãi suất được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với phát triển bền vững. Các nhà đầu tư lớn e ngại Bồ Đào Nha khó tránh khỏi vết xe đổ Hy Lạp và Ireland, trong khi EU ít có khả năng tìm được giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro (Eurozone) tại thời điểm này.
Trên thực tế, những bất ổn về tài chính của Bồ Đào Nha không phải sự kiện gây bất ngờ. Điều này đã được cảnh báo ngay khi cuộc khủng hoảng nợ công "gõ cửa" Hy Lạp vào tháng 4-2010. Vì thế, từ năm ngoái đã 3 lần Thủ tướng J.Socrates phải đưa ra các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, tới lần thứ 4 này thì ông đã không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội. Có lẽ đã tới ngưỡng mà người dân vốn quen hưởng thụ các chương trình phúc lợi xã hội, không thể chịu đựng hơn nữa các biện pháp "ăn kiêng" hà khắc. Còn các nghị sĩ hẳn không muốn chứng kiến cơn thịnh nộ của người dân trên đường phố. Thêm nữa, Quốc hội Bồ Đào Nha dường như không tin vào tính hiệu quả của kế hoạch thắt chặt chi tiêu mới do Thủ tướng J.Socrates đề xuất để tự giải cứu khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.
Thế nhưng, sự ra đi của Thủ tướng J.Socrates vào thời điểm này có thể khiến Bồ Đào Nha rơi vào bất ổn chính trị sau nhiều tháng nỗ lực lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư. Để ngăn ngừa một cuộc "khủng hoảng kép", Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavacu Silva có thể nhanh chóng lấp lỗ hổng quyền lực bằng cách đề nghị các đảng giới thiệu một thủ tướng mới và một chính phủ liên hiệp mà không cần bầu cử. Nhưng sự đồng thuận về vấn đề này là không thể xảy ra do cựu Thủ tướng J.Socrates và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD) đối lập - ông Pedro Passos Coelho - đã nhất trí rằng, một cuộc tổng tuyển cử là giải pháp đúng luật nhất cho tình huống hiện nay. Trong khi đó, việc hình thành một chính phủ mới có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng vì các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy không có đảng phái nào đạt được tỷ lệ quá bán để tự thành lập nội các riêng.
Tuy nhiên, ngay cả khi một chính phủ mới sớm ra đời thì cũng không thể thoát được gánh nợ đang ngày một phình to ở quốc gia này. Khó khăn trước mắt là các khoản nợ đang đến kỳ đáo hạn. Theo kế hoạch, đến tháng 4 và chậm nhất là giữa tháng 6 tới, Bồ Đào Nha phải huy động tổng cộng 9 tỷ euro (gần 13 tỷ USD), để trả nợ trái phiếu. Sau đó, nước này còn phải tiếp tục huy động một khoản tiền khác để trả trong tháng 7, tháng 8.
Trong bối cảnh Bồ Đào Nha ngày càng tiến gần hơn đến khả năng kêu gọi giải cứu từ quốc tế, ngay sau tuyên bố từ chức của Thủ tướng J.Socrates, hai tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch Ratings và Standard&Poor's (S&P) đã cùng nhau hạ xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha. Cụ thể, S&P hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Bồ Đào Nha từ A- xuống BBB. Fitch cũng hạ bậc tín dụng dài hạn của Bồ Đào Nha từ A+ xuống A-. Đã có dự đoán, quy mô gói giải cứu Bồ Đào Nha có thể lên tới 80 tỷ euro (khoảng 113 tỷ USD).
Những gì đang xảy ra tại Bồ Đào Nha đã giáng thêm một đòn mạnh vào đồng euro khiến giá trị của nó bị rung lắc mạnh. Trong một động thái nhằm phòng ngừa những rủi ro có thể từ "quân domino" Nam Âu này, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tăng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ 250 tỷ euro lên 440 tỷ euro. Từ chỗ được thành lập để giải quyết các vấn đề kinh tế ngắn hạn, EFSF sẽ được chuyển thành cơ chế ổn định châu Âu với các mục tiêu dài hạn. Thế nhưng, bất đồng trong phân bổ định mức đóng góp giữa các thành viên EU đang có nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone thêm trầm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.