(HNM) - Như các quốc gia Nam Âu phải oằn mình cắt giảm chi tiêu để đáp ứng những điều kiện vay nợ từ bộ ba Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Bồ Đào Nha cũng đang đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội ngày càng lan rộng.
Trong 2 ngày cuối tuần qua, biểu tình chống chính sách "khắc khổ" đã lan rộng ra tới khoảng 30 thành phố lớn với sự tham gia của 500 nghìn người ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế và người nghỉ hưu... Đây là các nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ kế hoạch cắt giảm ngân sách của chính phủ. Dự kiến, thời gian tới, biểu tình và đình công quy mô lớn sẽ tiếp tục khuấy đảo đất nước trên 10 triệu dân này khi chính phủ của Thủ tướng Pedro Passos Coelho buộc phải triển khai kế hoạch cắt giảm thêm 5,2 tỷ euro trong vòng 2 năm. Ngoài việc duy trì thực thi các biện pháp "khắc khổ" và chính sách cải tổ sâu rộng theo đúng cam kết để nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro từ bộ ba chủ nợ, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ tăng mức đóng góp của người lao động cho quỹ an sinh xã hội từ 11% lên 18%; đồng thời tạm ngừng các khoản trợ cấp cho đối tượng hưu trí, cắt giảm 1 tháng tiền thưởng cho người làm trong các khu vực công.
Biểu tình phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu ngày càng lan rộng ở Bồ Đào Nha. |
Sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha đang bị nhìn nhận như mắt xích yếu nhất trong nhóm PIIGS (Nhóm các quốc gia có nền kinh tế yếu kém trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) gồm: Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha). Nhìn lại thế kỷ trước, chính quyền Lisbon từng 2 lần phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Lần thứ nhất vào năm 1978 khi mức thâm hụt ngân sách lên tới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), IMF buộc chính quyền Lisbon phá giá đồng escudo hơn 27% để vực dậy khu vực xuất khẩu. Lần thứ hai là vào năm 1983 khi Bồ Đào Nha phải đối phó với tỷ lệ lạm phát lên tới 34%/năm cùng tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục 8,8% và sức mua của người dân giảm 18%.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng Bồ Đào Nha hiện đang trở thành tâm bão mới của Châu Âu. Mặc dù đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt do nhóm chủ nợ đề ra; song điều này lại khiến hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha khó có thể duy trì sự ổn định. Theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp duy nhất giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi tình trạng khó khăn tài chính là tăng cường xuất khẩu. Nhưng những năm qua, Lisbon không thu hút được nhiều đầu tư cũng như công nghệ cao của nước ngoài để có thể tung ra các dòng sản phẩm xuất khẩu có giá trị cạnh tranh cao. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước lại gặp khó khăn trong việc vay vốn để đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này trong quý IV-2012 chỉ tăng 1%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả năm là 5,8%. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là 60% sản phẩm xuất khẩu của Bồ Đào Nha gồm hàng hóa và dịch vụ cho các đối tác trong Eurozone và Tây Ban Nha là đối tác thương mại quan trọng nhất. Thế nhưng, trong bối cảnh toàn khu vực lâm vào suy thoái, Tây Ban Nha tăng trưởng âm, lẽ dĩ nhiên ngành xuất khẩu của Bồ Đào Nha không thể khởi sắc. Cộng thêm với nạn thất nghiệp đang hoành hành, tiêu thụ nội địa và đầu tư trong nước xem như bị đóng băng. Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, Vitor Gaspar cũng đã phải lên tiếng thừa nhận rằng, kinh tế đất nước trong năm 2013 sẽ suy giảm 2%, sâu hơn mức dự báo giảm 1% mà chính phủ đưa ra. Theo nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Citigroup, kinh tế Bồ Đào Nha đang thu hẹp lại giống như Hy Lạp; tức là đang đứng trước áp lực phải cần tới phần mở rộng của gói giải cứu hiện tại, hoặc một gói giải cứu thứ hai theo chân Hy Lạp.
Những diễn biến mới nhất cho thấy đất nước Bồ Đào Nha đang đứng trước hàng núi khó khăn về kinh tế và chính trị cần phải khắc phục. Uy tín của Thủ tướng P.Coelho đang trên đà giảm sút mạnh khi các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức để mở đường cho bầu cử sớm đang tiếp tục diễn ra. Trong thời gian tới, nếu những chính sách kinh tế đang thực thi nhằm đưa Bồ Đào Nha thoát khỏi vũng lầy nợ nần không thu được tín hiệu khả quan thì chắc chắn nửa nhiệm kỳ còn lại của Thủ tướng P.Coelho sẽ thêm nhiều sóng gió.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.