Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ “cổng gác” pháp lý?

Nguyễn Hiền| 14/06/2011 06:48

(HNM) - Những ngày gần đây, ý kiến giữa các bên có liên quan về việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất, đang được nhiều người quan tâm.


Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 657/BXD-VP ngày 5-5-2011 gửi Bộ Tư pháp, đề nghị sửa đổi Khoản 3, Khoản 5, Điều 93 của Luật Nhà ở theo hướng bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 7 loại hợp đồng về nhà ở, bao gồm: mua bán, đổi, tặng - cho, thế chấp, thuê mua, thuê nhà ở của các tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản. Việc này đã làm xôn xao dư luận bởi khả năng bỏ công chứng sẽ làm giảm phiền hà nhưng lại tăng rủi ro. Trước hết, nếu thực hiện theo đề xuất này sẽ kéo theo phải sửa đổi nhiều luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng và hàng loạt văn bản pháp luật khác. Hơn nữa, việc không qua công chứng mà chỉ căn cứ vào giấy viết tay để bên mua, bên nhận tài sản đi làm thủ tục sang tên sẽ rất khó ngăn chặn được những vụ lừa đảo, tranh chấp. Chính vì lý do công chứng là "cổng gác pháp lý" của nhà nước trong quản lý và phòng ngừa tranh chấp, giải quyết tranh chấp nên Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng không phù hợp. Có thể bỏ thủ tục công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhưng nếu tranh chấp xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn đối với các bên và chi phí nhà nước, xã hội phải bỏ ra để giải quyết hậu quả là khó đong đếm được.

Tuy nhiên, bỏ thủ tục công chứng lại là phương án đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8-6-2010 và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10-12-2010 của Chính phủ. Mới đây, trong cuộc họp tham vấn của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) với lãnh đạo các bộ, ngành (gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Cục trưởng Cục quản lý Nhà (Bộ Xây dựng), Cục trưởng Cục Thống kê đất đai, Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Trung tâm Đăng ký đất và nhà TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…) về thực thi nghị quyết của Chính phủ (diễn ra ngày 7-6) về việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất, đã có những ý kiến đồng tình với việc cắt giảm khâu công chứng này. Nhiều ý kiến cho rằng, nên bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng dân sự liên quan về nhà ở và quyền sử dụng đất. Theo đó, người dân có quyền tự quyết định có công chứng hay không. Nếu người dân thấy cần thiết phải công chứng để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch nhà đất thì đi công chứng, còn nếu không thì thôi vì đây là quyền tự định đoạt của người dân đối với tài sản của mình. Bên cạnh đó, theo tính toán chi phí tuân thủ TTHC của tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, nếu bỏ công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan về nhà ở và quyền sử dụng đất sẽ giảm được 2.700 tỷ đồng/năm (chi phí tuân thủ TTHC = chi phí hành chính + chi phí tài chính gián tiếp + chi phí tài chính trực tiếp).

Như vậy, lợi ích của việc cắt giảm thủ tục đã phần nào ước lượng được bằng con số, song đơn giản TTHC là để tạo sự thuận lợi cho tổ chức và công dân chứ không thể "đá quả bóng trách nhiệm" để công dân tự chịu với tài sản của mình. Rất có thể, sau khi bỏ công chứng, rủi ro sẽ tăng cao do tranh chấp phát sinh hàng loạt. Vậy nếu không còn "cổng gác pháp lý" đứng ra giải quyết thì việc trao quyền tự quyết cho người dân sẽ kéo theo việc tăng rủi ro mà họ phải gánh chịu. Đơn giản TTHC là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng cần thảo luận, xem xét thấu đáo trước khi đưa ra kết luận cuối cùng bởi cải cách TTHC quan trọng nhất là phải dựa vào nguyên lý và biện pháp thực hiện, chứ không phải cắt bỏ một cách cơ học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ “cổng gác” pháp lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.