Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Quốc Bình| 10/07/2014 15:05

(HNMO) - Sáng 10-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế...

Ảnh: Quốc Bình


Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Kết luận 48 của Bộ Chính trị đáp ứng tâm tư, tình cảm và mong mỏi của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế. 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh đã phấn đấu đạt thành tựu trên các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2009-2013 đạt trên 10,2%, cao hơn mức bình quân chung cả nước và tương đương với mức bình quân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 5.000 tỷ đồng/năm. GDP đầu người tăng hơn 1,77 lần so với năm 2009. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 38,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: du lịch - dịch vụ chiếm 54%; công nghiệp chiếm 36%; nông nghiệp chiếm 10% trong GDP, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh” và kinh tế tri thức. Thừa Thiên Huế đã hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm cho nhân dân hai huyện Nam Đông, A Lưới và chương trình tái định cư dân vạn đò sông Hương, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với hơn 2.000 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%.

Tập trung khai thác thế mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch để phát triển kinh tế, Thừa Thiên Huế cùng với Đà Nẵng trở thành một cực tăng trưởng của Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, nâng cấp đô thị Thừa Thiên Huế đạt 78,84/100 điểm theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh của kinh tế chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh. Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trên các lĩnh vực chưa được khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu so với vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa. Công tác xây dựng Đảng vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp trên một số mặt còn hạn chế…

Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng theo mô hình đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; phấn đấu xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã cho ý kiến, khẳng định những kết quả đã đạt được của Thừa Thiên Huế sau 5 năm thực hiện Kết luận 48, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục để tiếp tục xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành những mục tiêu như Kết luận đã đề ra.

Sau khi nghe các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, đại diện các ban đảng Trung ương thảo luận, cho ý kiến, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận cuộc làm việc. Đánh giá cao ý thức trách nhiệm và những thành tích của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc thực hiện Kết luận 48. Tổng Bí thư cho rằng, trong 5 năm vừa qua, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, tạo được chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực như duy trì tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch kinh tế đúng hướng...

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhận định, việc thực hiện Kết luận 48 còn nhiều hạn chế. Quy mô kinh tế nhìn chung còn nhỏ. Tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. So với mong muốn, yêu cầu, tỉnh cần cố gắng nhiều hơn, tạo bước đột phá hơn nữa. Về nguyên nhân, ngoài các yếu tố khách quan, có yếu tố chủ quan cần rút kinh nghiệm và khắc phục là về khả năng điều hành, quản lý.

Về phương hướng phát triển trong thời gian tới, Tổng Bí thư tán thành với những định hướng mà tỉnh đã nêu trong báo cáo, đồng thời lưu ý một số điểm nổi bật. Trước hết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về văn hóa, du lịch, dịch vụ, kinh tế đầm phá, kinh tế miền Tây... Trên cơ sở đó, có kế hoạch bứt phá mạnh hơn, nổi trội hơn. Về các biện pháp thực hiện, trước hết phải làm thật tốt công tác quy hoạch sao cho đồng bộ, phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội với môi trường, đô thị với nông thôn, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững... Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh phải hết sức chú ý công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, hướng tới đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 cần tạo được những điểm nhấn để phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, khắc phục được những hạn chế, yếu kém mà Bộ Chính trị đã chỉ ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tỉnh phải hết sức quan tâm đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành. Đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trên tinh thần tự lực, chủ động vươn lên khai thác tốt nguồn lực tại chỗ. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh phải chú ý vừa toàn diện vừa có trọng tâm, đột phá; thực hiện quyết liệt, năng động, có tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Trong phát triển chú ý liên kết vùng, phát huy vai trò của mình tạo sức lan tỏa ra các tỉnh, thành khu vực miền Trung.

Về kiến nghị Bộ Chính trị kết luận công nhận Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2014, Tổng Bí thư cho rằng không khả thi. Vì các tiêu chí chưa đạt yêu cầu, quy mô đô thị cũng chưa rõ, nhất yêu cầu về thủ tục pháp luật đòi hỏi cao. Tổng Bí thư yêu cầu Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chỉ đạo chuẩn bị kỹ, sớm trình Trung ương về vấn đề này. Đồng chí nhấn mạnh, xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương không phải là chuyển đổi một cái tên mà phải là sự thay đổi về chất thực sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.