(HNMO) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh biển báo hạn chế tải trọng cầu. Theo đó, đã thực hiện bỏ biển hạn chế tải trọng 943 cầu.
Thực tế, trong thời gian qua, biển hạn chế tải trọng cầu đường bộ được cắm cho một loại tải trọng “Biển số 115 - Hạn chế trọng lượng xe”, chưa thực hiện theo quy định tại QCVN 41 ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/5/2012. Đặc biệt từ ngày 1/4/2014 khi thực hiện chương trình kiểm soát xe quá khổ, quá tải trên hệ thống quốc lộ, việc cắm biển hạn chế tải trọng cầu gây một số bất cập cần phải được rà soát và điều chỉnh lại cho phù hợp.
Trong quá trình kiểm tra, rà soát, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý dỡ bỏ một số lượng lớn biển hạn chế tải trọng, trong đó các cầu mới được xây dựng từ năm 2004 trở lại đây với tải trọng thiết kế (H30-XB80 hoặc HL93) còn tốt nhưng nhiều đơn vị quản lý vẫn cắm theo hồ sơ thiết kế 30T; nhiều cầu khi thiết kế, kiểm toán cho 2 làn xe chạy, nhưng thực tế cầu hẹp chỉ có một làn xe chạy… Ngoài ra, trong quá trình rà soát đã cho sửa chữa đột xuất các cầu ở mức độ hư hỏng nhỏ để dỡ bỏ biển hoặc nâng tải trọng khai thác.
Ảnh minh họa từ Internet. |
Theo đó, tổng số cầu cắm biển hạn chế tải trọng (trước tháng 7/2014) là 1.488 cầu, sau khi kiểm tra và rà soát đã thực hiện, bỏ biển hạn chế tải trọng 943 cầu, thực hiện kiểm định và cắm lại biển theo QCVN 41 là 161 cầu; kiểm toán theo hồ sơ thiết kế và kết quả kiểm định gần nhất để cắm lại biển theo QCVN 41 là 329 cầu; các cầu còn lại do tải trọng thấp và đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nên cầu cũ tạm giữ nguyên biển tải trọng là 55 cầu.
Mặt khác, Tổng cục ĐBVN cũng đã chỉ đạo dỡ bỏ 614 biển thông tin tốc độ không phù hợp trên quốc lộ; điều chỉnh 385 biển báo hạn chế tốc độ và biển báo khu đông dân cư, dỡ bỏ hất các biển báo tốc độ dưới 40 km/h. Thực hiện kiểm định 161 cầu để đánh giá tình trạng khai thác, qua kết quả kiểm định, xác định cầu có khả năng sửa chữa nâng cấp để nâng tải trọng khai thác hoặc bỏ biển; đồng thời, sửa chữa đột xuất xuất các hư hỏng cục bộ của 109 cầu để nâng tải trọng khai thác hoặc bỏ biển tải trọng.
Được biết, sau đợt tổng kiểm tra, rà soát này, Tổng cục ĐBVN đưa dữ liệu vào phần mềm quản lý cầu (VBMS); phân loại cầu yếu, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lập kế hoạch sửa chữa ; với những cầu quá yếu, sửa chữa không hiệu quả sẽ đề nghị xây lại trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.