(HNM) - Đến trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Tần, nơi đang được coi là tâm dịch lợn tai xanh ở làng Khang, tôi vẫn thấy đàn lợn hàng trăm con khỏe mạnh, tươi tắn, da hồng hào.
Cả vùng 5 xã trong huyện đang gặp "bão lợn tai xanh" mà bí quyết gì để đàn lợn của trang trại ông giữ được an toàn? Tôi hỏi ông Tần. - Chỉ tay vào đàn lợn, ông Tần đáp: Trong hai dãy chuồng có hơn 100 con, gồm 20 lợn nái (tháng sau đẻ lại có hàng trăm lợn con) và hơn 80 con lợn thịt, mỗi con gần 70kg; tất cả đều thực hiện các khâu vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắcxin đúng quy định của thú y và cho ăn đủ dinh dưỡng từng độ tuổi, vì thế cả vùng đang gặp "bão" nhưng nhà tôi vẫn bình yên.
Thực tế thời gian qua ở đây, nhiều hộ chăn nuôi chủ quan, không tiêm phòng bệnh cho lợn đầy đủ, khi phát hiện lợn mắc bệnh - dịch không báo với thú y, mà bán "chạy" lợn mắc bệnh, nhiều trường hợp còn vứt lợn đã chết do dịch bệnh ra đồng ruộng, sông hồ... Người kinh doanh không bảo đảm vệ sinh khi giết mổ, mua lợn bệnh về giết mổ để kiếm lợi nhuận cao. Đáng tiếc nữa là chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm trong việc tuyên truyền phòng chống dịch chưa đến nơi đến chốn, việc giám sát cơ sở thực hiện phòng chống dịch chưa chặt chẽ. Mặt khác lực lượng thú y ít, thiếu thiết bị, phương tiện xác định lợn bị bệnh và chưa hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi phòng và ngăn chặn dịch hiệu quả. Và thêm nữa, cơ chế hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn chết do bệnh tai xanh mỗi địa phương một khác nên một số người nuôi đã móc nối với nhau chuyển lợn bệnh đến địa phương có mức hỗ trợ cao hơn... vì vậy bệnh lây lan ra diện rộng.
Thật mừng đàn lợn của ông Tần vẫn an toàn phát triển ở nơi tâm dịch, hy vọng những hộ chăn nuôi ai cũng có kiến thức, kỹ thuật chắc được như ông Tần thì dịch không thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.