(HNMCT) - Được coi là một trong 3 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, làng cổ Phước Tích mang dấu ấn điển hình của làng nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ còn bảo lưu nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa. Phước Tích là một điểm đến du lịch đặc biệt của cố đô Huế.
Làng cổ hơn 500 năm tuổi
Làng cổ Phước Tích cách thành phố Huế hơn 40km về phía Bắc, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cùng với làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang), làng cổ Phước Tích là ngôi làng bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa - kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán lâu đời và đã được công nhận là Di tích quốc gia.
Làng cổ Phước Tích được thành lập vào thế kỷ XV, trong thời gian mở mang bờ cõi về phương Nam của nước Đại Việt. Tên gọi đầu tiên của làng là Phúc Giang, như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Thời Tây Sơn, làng được đổi tên thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Đến đời vua Gia Long nhà Nguyễn, làng mang tên Phước Tích với ý nghĩa tích lũy phúc đức cho con cháu.
Phước Tích có một cấu trúc và cảnh quan nông thôn điển hình của vùng Bắc Trung Bộ chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu, cuộc sống gắn liền với sông nước nên ở Phước Tích có tới 12 bến nước với những cái tên dân gian như bến Đình, bến Chùa, bến Hội, bến Cạn, bến Cây Thị... Tất cả hòa quyện tạo nên một không gian đẹp dung dị và thanh bình. Làng có một quỹ kiến trúc di sản đa dạng gồm nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình Phước Tích, chùa Phước Bửu; đặc biệt là miếu Đôi và miếu Quảng Tế ghi dấu ấn của văn hóa Chăm Pa xưa; miếu bà Liễu Hạnh ghi dấu ấn về sự ảnh hưởng của văn hóa - tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuống phía Nam...
Phước Tích còn bảo lưu được nhiều ngôi nhà cổ dân gian truyền thống. Trong đó có 27 ngôi nhà cổ có giá trị kiến trúc cao đã được lập hồ sơ để bảo tồn, tiêu biểu như nhà ông Lương Thanh Khiếu, nhà ông Trương Công Huấn, nhà bà Lê Ngọc Thị Thí, nhà bà Hồ Thị Thanh Nga... Những ngôi nhà cổ này đều có kiến trúc kiểu nhà rường với khung gỗ, mái ngói, xung quanh là sân vườn. Làng Phước Tích có nhiều dòng họ lớn như Hoàng Minh, Lê Trọng, Hồ Văn, Trương Công, Nguyễn Phước... Mỗi dòng họ đều có nhà thờ họ - kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đặc biệt, hầu hết các ngôi nhà ở và kiến trúc ở Phước Tích đều có bình phong phía trước. Đây là một nét kiến trúc độc đáo của làng.
Phước Tích cũng là một làng gốm có bề dày lịch sử hơn 500 năm. Vào những năm 1980, nghề gốm của làng suy thoái bởi nhiều lý do nhưng đã “hồi sinh” vào năm 2006. Hiện nay, ngoài một số lò gốm gia đình còn có một lò gốm chung của làng để khách tham quan, trực tiếp trải nghiệm nghề làm gốm.
Điểm du lịch bình yên
Hiện diện trên bản đồ du lịch xứ Huế nhưng Phước Tích không ồn ào, xô bồ như nhiều điểm du lịch khác. Một trong những lý do là nơi này khá xa trung tâm thành phố Huế. Những ai đã biết và đến ngôi làng này đều có ấn tượng khó quên về một ngôi làng cổ với không gian bình yên đến kỳ lạ. Tới đây, du khách tưởng như lạc vào nơi thời gian lùi lại cả trăm năm. Người làng không đông, những người trẻ đa phần đi làm ăn xa, ở làng chủ yếu là người già và trẻ em. Có khi đi trên đường làng rất lâu mới thấy một bóng người, hầu như không nghe thấy tiếng xe máy...
Là điểm du lịch nhưng nơi này không bán vé tham quan. Ở đây cũng không có nhà hàng, khách sạn, quán xá phục vụ du lịch. Khách đến đây cứ thoải mái chiêm ngưỡng, thăm thú khắp làng. Người dân nơi đây rất hồn hậu, mến khách. Sự bình yên chính là nét riêng không lẫn với bất kỳ nơi nào khác của Phước Tích.
Ông Lương Thanh Khiếu, chủ nhân một ngôi nhà cổ ở Phước Tích, cũng là thành viên Ban quản lý làng cổ cho biết: “Chúng tôi mở cửa du lịch để giới thiệu những giá trị của làng, nhưng không mong Phước Tích thành điểm du lịch đông khách kiểu ồn ào. Chúng tôi mong muốn đón những vị khách thực sự quan tâm, muốn tìm hiểu sâu về văn hóa - kiến trúc làng cổ. Nhờ đó, ngôi làng luôn giữ được sự bình yên suốt bao năm qua”.
Anh Đặng Duy Linh, một du khách từ Hà Nội chia sẻ sau chuyến tham quan: “Tôi đã chạy xe máy hơn 40km từ thành phố Huế đến đây, và quả thực không uổng công. Phước Tích là ngôi làng khác hẳn những ngôi làng nông thôn mà tôi đã đến, đẹp một cách rất riêng. Sự bình yên nơi đây hiếm nơi nào có được. Tôi mong những người làm công tác bảo tồn và dân làng hiểu được giá trị của làng để gìn giữ cho những thế hệ mai sau”.
Làng cổ Phước Tích thực sự là một di sản “sống” với nhiều giá trị, chắc chắn sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó phai mờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.