(HNM) - Ngày 26-4, TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc. Cụ thể, những nhóm thuốc thuộc chương trình bình ổn sẽ được bán với giá thấp hơn thị trường 10%.
Người mua thuốc hiện nay không dễ nhận biết các cửa hàng tham gia bán thuốc giá bình ổn.
Ngày 28-4, khảo sát tại các khu vực có nhiều nhà thuốc như đường Hai Bà Trưng, hoặc gần các bệnh viện như đường Cống Quỳnh (gần Bệnh viện Từ Dũ), đường Nguyễn Chí Thanh (gần bệnh viện Chợ Rẫy), đường Trần Quốc Thảo (gần Bệnh viện Hoàn Mỹ và Tai Mũi Họng) vẫn không thấy có dấu hiệu nhận biết cửa hàng bán thuốc bình ổn. Nhân viên nhiều cửa hàng bán thuốc lắc đầu không biết chương trình này. Hiệu thuốc Thanh Quang trên đường Hai Bà Trưng cho biết, rất muốn tham gia chương trình bình ổn giá thuốc nhưng không biết đăng ký ở đâu!
Nhà thuốc 189C đường Cống Quỳnh là một trong 325 điểm bán thuốc bình ổn giá. Logo chữ "thuốc bình ổn" đã được nhà thuốc này chọn dán ở vị trí dễ nhìn thấy nhất, nhưng vẫn rất khó nhận ra vì… quá nhỏ! Theo đại diện của hệ thống nhà thuốc này, mỗi cửa hàng của hệ thống nhà thuốc được Sở Y tế phát cho 2 logo và vẫn chưa được hướng dẫn việc treo băng-rôn hay làm bảng hiệu phía trước để người mua thuốc dễ nhận biết. Nhà thuốc này cũng đã có bảng giá danh mục thuốc bình ổn, theo đó thì bảng giá mới do các công ty dược đưa xuống đã thấp hơn khoảng 10% so với thị trường.
Không dễ quản lý
Theo Sở Y tế TP, người mua có thể kiểm tra giá thuốc qua bảng giá do Sở niêm yết tại mỗi nhà thuốc. Sở cũng sẽ có các đợt kiểm tra để buộc nhà thuốc bán đúng giá. Tuy nhiên, theo các nhà thuốc, việc quản lý giá là không dễ. Từ trước đến nay, giá thuốc từ các công ty dược đưa xuống nhà thuốc bán lẻ qua rất nhiều tầng, nấc trung gian. Mỗi nhà thuốc do điều kiện của mình (tiền mặt bằng, vị trí cạnh tranh, nguồn thuốc nhập…) để định ra giá bán nên thực tế là cùng một sản phẩm mà mỗi nơi một giá! Vì vậy, có thể giá thuốc từ các công ty dược đưa ra giảm 10%, nhưng các nhà thuốc bán lẻ không giữ cam kết thì thiệt thòi vẫn thuộc về người mua. Bên cạnh đó, khái niệm 10% cũng rất khó kiểm tra vì mỗi công ty dược bán thấp hơn giá 10% là giá của chính mình chứ không có cơ sở so sánh với giá thuốc của công ty khác.
Mặt khác, chủ một nhà thuốc trên đường Nguyễn Thông (quận 3) cho rằng, rất khó để chương trình thành công. Bởi nhóm mặt hàng bình ổn rất ít, thuốc bình ổn chỉ là loại thuốc thông thường không đáp ứng được nhu cầu người bệnh, nhất là bệnh nặng. Giá các loại thuốc này chỉ từ 60 đồng đến 8.400 đồng/viên nên giảm 10% cũng chỉ là tạo "tiếng vang" và tâm lý cho người mua chứ thật sự không giảm được bao nhiêu. Ví dụ, một viên Paracetamol 500 của Công ty Dược 3/2 là 216 đồng, dù đã được giảm 10% nhưng hiện tiền mệnh giá 200 đồng trở xuống đã ít được dùng, nên khi bán các nhà thuốc đều "làm tròn" và như thế giá vẫn cao.
Chương trình bình ổn này sẽ kéo dài đến tháng 3-2012, với tổng giá trị thuốc là 50 tỷ đồng. Giống như chương trình bình ổn giá lương thực, thực phẩm, UBND TP đã duyệt cho 4 công ty gồm: Domesco, Dược 3-2, Euvipham và Glomed vay số tiền trên với lãi suất 0% trong 12 tháng. Tuy nhiên trong thời gian đầu công ty đã tự ứng vốn để thực hiện. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đang ở giai đoạn thí điểm, sẽ tiếp tục hoàn thiện mở rộng. Theo bà Lan, đã có nhiều công ty cung ứng thuốc ngoại muốn tham gia chương trình, và đây là tín hiệu tốt để có thể tiến dần tới bình ổn giá những loại thuốc đặc trị, đắt tiền.
Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc thù, mua theo đơn của bác sĩ hoặc theo các dược sĩ tại nhà thuốc chứ không thể tự chọn. Vì vậy, việc quản lý giá, quản lý thuốc đến tay người bệnh, tránh gom hàng bán về nơi khác để kiếm lời cũng là điều cần kiểm soát chặt chẽ. Trách nhiệm này thuộc cơ quan quản lý, bởi khi được nhà nước duyệt cho vay vốn, thì đây là tiền thuế của dân, phải sử dụng đúng mục đích, bảo đảm lợi ích cho người dân là "bình ổn giá".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.