Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình ổn thị trường Tết: Không lo khan hàng, sốt giá

Thanh Hiền| 22/12/2015 06:55

(HNM) - Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Sở Công thương Hà Nội đã cùng các doanh nghiệp (DN) triển khai kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, bảo đảm chất lượng.


Hàng hóa dồi dào

Theo Sở Công thương Hà Nội, dự kiến tổng giá trị hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố là 21.610 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tiền ứng từ Quỹ Dự trữ của thành phố cho các DN bình ổn giá là 236 tỷ đồng. DN kinh doanh thương mại tập trung dự trữ các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỷ đồng. Qua các chương trình, hội nghị kết nối, DN đã tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phong phú, đặc sản từ các vùng, miền đưa về Hà Nội phục vụ nhân dân. Cụ thể: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đẩy mạnh khai thác sản phẩm trái cây, nông sản từ các tỉnh Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp... Công ty cổ phần Nhất Nam khai thác các loại rau, củ, quả, thủy sản nước ngọt của tỉnh Sơn La, Hải Dương cung cấp cho hệ thống bán lẻ, nhà hàng của đơn vị. Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt khai thác sản phẩm thủy sản của tỉnh Cà Mau và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm gia cầm với Công ty TNHH Ba Huân (TP Hồ Chí Minh)... để bảo đảm nguồn cung.

Hàng hóa dồi dào, chất lượng tốt là điều được các doanh nghiệp cam kết khi phục vụ thị trường Tết.


Đến nay, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch trữ hàng kinh doanh phục vụ người dân đón tết Bính Thân với tổng giá trị tiền hàng khoảng 2.566 tỷ đồng. Đại diện Hapro cho biết, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, Tổng công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phong phú và bảo đảm chất lượng. Hàng hóa được dán tem nhãn, nguồn gốc rõ ràng và thực hiện bán đúng giá niêm yết. Các đơn vị thành viên của Hapro chủ động tổ chức bán hàng tại hệ thống bán lẻ do các đơn vị trực tiếp quản lý. Thời gian bán hàng phục vụ Tết từ ngày 4-1-2016 đến ngày 23-2-2016.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Big C đã chuẩn bị với lượng hàng hóa tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, từ nhiều tháng qua, Big C đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường các chương trình hợp tác với nhà sản xuất, nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng, đồng thời cam kết "khóa giá" từ ngày 15-12-2015 đến ngày 7-2-2016. Trong suốt thời gian này, Big C niêm yết giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, bia rượu, sữa… đến các sản phẩm thuộc ngành vải sợi, điện máy, đồ gia dụng… chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị.

Cùng với đó, Sở Công thương tiếp tục tổ chức "Tuần hàng Việt" trên địa bàn các quận, huyện; tổ chức các phiên chợ Việt, chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ nay đến tết Nguyên đán, UBND thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho các DN, nhất là DN bình ổn giá, khai thác hàng hóa từ các tỉnh, thành để bù đắp lượng hàng hóa thiết yếu còn thiếu, dễ biến động cho Hà Nội, như gạo, thịt lợn, thịt gà, rau củ, các loại thủy sản, thực phẩm chế biến... Sở cũng chỉ đạo các DN tổ chức dự trữ và bán các mặt hàng thiết yếu tại 1.165 điểm phục vụ nhân dân, tăng gấp đôi so với năm 2014.

Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Hà Nội, các mặt hàng buôn lậu chủ yếu trong dịp cuối năm và tết thường là thuốc lá, rượu, bia, hàng may mặc, da giày, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh… Ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, các đối tượng đang chuyển sang nhập lậu những mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng tồn kho của các DN ở mức cao, dẫn đến việc gia tăng hàng hóa cận hạn, hết hạn sử dụng và hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ngành, quận, huyện thực hiện đúng Chỉ thị số 14/CT-UBND và Công văn số 9042/UBND-CT, của UBND thành phố, về bảo đảm hàng hóa phục vụ tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2016. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tập trung đấu tranh với các đối tượng, đường dây buôn bán hàng giả, không để lợi dụng dịp Tết đưa hàng kém chất lượng vào thị trường. Đối với các DN, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu việc kiểm tra phải dựa trên căn cứ sai phạm, không kiểm tra tràn lan, tránh gây khó khăn cho DN; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN vận chuyển, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ DN bán hàng bình ổn giá.

"Đặc biệt, các DN cần thực hiện đúng cam kết tham gia chương trình bình ổn giá, cung ứng hàng đủ số lượng, kịp thời, thuận tiện, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cần ưu tiên phục vụ bà con khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Các DN sản xuất, cung ứng phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình ổn thị trường Tết: Không lo khan hàng, sốt giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.