(HNM) - 1 - Bữa cơm tối ở đồn Biên phòng 413 (Nà Hỳ, Mường Nhé, Điện Biên) chợt đắng chát khi Chủ tịch xã Lò Văn Tuấn kể: ''Mình công tác với dân quen rồi nên mỗi khi có dịp thường đem ít mỳ chính hay bột canh tặng đồng bào. Bởi, chỉ cần 1-2 thìa mỳ chính trộn với muối và nước máy là cả gia đình họ đã có bữa canh ngon lành rồi. Ở đây nghèo lắm, ngày thường, đến rau cũng chẳng có mà ăn, nói chi đến những thứ xa xỉ như cá, thịt...''.
Sực nhớ, buổi chiều, sau lễ cắt băng khánh thành nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Nà Bủng, xuống bếp ăn của các cháu học sinh nội trú, thấy trẻ em xúm xít quanh nồi ''canh toàn quốc'' lõng bõng nước, chan với cơm trắng mà và, húp xì xụp ngon lành. Lại sực nhớ, bao bữa tiệc ê hề sơn hào hải vị ở những nơi đô hội đáng giá hàng triệu đồng, hàng chục triệu đồng...Số tiền mà người dân miền núi phải chắt bóp cả đời cũng chưa chắc đã có nổi; số tiền có thể xây dựng một ngôi nhà đại đoàn kết cho những hộ nghèo.
Học sinh trường PTDTNT Nà Bủng. Ảnh: Nguyên Hoa |
2 - Gần 500 km từ Hà Nội lên Điện Biên không đáng sợ bằng gần 200 km từ TP Điện Biên Phủ vào các xã Nà Hỳ, Nà Bủng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với những ổ trâu, ổ voi đầy rẫy đang được san ủi dọc con đường đất chênh vênh, trơn nhẫy qua những vách núi quanh co mà các tài xế miền xuôi nếu không quen đường rất có thể bị sa xuống vực bất cứ lúc nào. Thắng, một sỹ quan trẻ công tác tại đội Công tác vận động quần chúng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đi cùng đoàn công tác chúng tôi bảo: bây giờ còn khá đấy, chứ hồi mới lên đây, em không tưởng tượng nổi một nơi cùng trời cuối đất như thế này mà cũng có người ở. Bù lại, ai vào được đến đây cũng có quyền tự hào vì đó chính là mũi đất rìa ngoài cùng của Tổ quốc, phần chìa ra ở bản đồ Việt Nam như một mũi tên vậy. Quả thật, có lên đến cực Tây của Tổ quốc mới thấy mảnh đất này như một đặc ân của trời với những đỉnh núi nhấp nhô trải dài mênh mông và những ruộng bậc thang vàng óng lúa nương của đồng bào các dân tộc đang vào mùa thu hoạch.
Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Nhé, Nà Bủng (vừa tách ra khỏi xã Nà Hỳ) cũng là xã đặc biệt khó khăn với 1.032 hộ, 6.832 nhân khẩu sống tại 17 thôn, bản. Trong đó, phần lớn các thôn, bản ở cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Dân cư không ở tập trung, hiện tượng di dịch cư tự do diễn ra khá phổ biến; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70%; tình hình ANCT, TTATXH thời gian qua cũng diễn biến hết sức phức tạp; một số hủ tục lạc hậu như tảo hôn vẫn còn diễn ra lén lút, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc huy động các cháu học sinh trong độ tuổi đi học đến trường...Trong tình hình ấy, việc duy trì được một trường PTDTNT với 20 lớp học và 625 học sinh là cả một cố gắng lớn của thày cô và học trò ở nơi này. Thày Dương Duy Dần, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Nà Bủng kể, do phần lớn học sinh nhà ở rất xa trường, không thể đi lại trong ngày (có cháu nhà ở cách trường tới 30 km), nên được học bán trú theo chế độ bán trú dân nuôi. Do trường mới được chia tách và thành lập sau khi chia tách địa giới hành chính xã (tháng 7-2011), nên cơ sở vật chất mới chỉ được đầu tư các hạng mục chính là lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Còn học sinh nội trú hầu hết phải ở, sinh hoạt trong các căn lều tranh tre, nứa lá tạm bợ do gia đình phụ huynh kết hợp với giáo viên dựng tạm. Mỗi căn lều rộng khoảng 8-10m2, nhưng chen chúc đến 20 cháu; ăn ở, sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, không bảo đảm sức khỏe, nhất là khi mùa đông đã cận kề. Hôm chúng tôi đến Nà Bủng, bên cạnh ngôi nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi bằng gỗ, rộng 10 gian, sức chứa 80-100 học sinh, được xây dựng bằng số tiền của các nhà hảo tâm đóng góp (trong đó có báo Hànộimới) và công sức của CBCS đồn Biên phòng 413 (Nà Hỳ), 427 (Nà Bủng), vẫn còn hàng chục túp lều dựng tạm của học sinh bán trú, dọc con đường đất từ xã đến trường. Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Trần Anh Tuấn chia sẻ, đồng bào các dân tộc trong huyện vô cùng xúc động trước nghĩa cử của các nhà hảo tâm và công sức của CBCS BĐBP đã xây dựng nên một công trình rất có giá trị, thắm đượm nghĩa tình quân dân nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc. Song, huyện cũng mong đồng bào cả nước tiếp tục hướng về biên cương, có thêm nhiều công trình nghĩa tình như thế để giúp đỡ các em học sinh nội trú dân nuôi có cơ hội tới trường, giúp các em thấy được giá trị của tấm lòng tương thân, tương ái; để các em tiếp tục viết tiếp giấc mơ học cái chữ và trở thành những kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo trong tương lai, về xây dựng quê hương giàu đẹp.
3- Chất phác và vạm vỡ như một chàng trai miền núi, ít ai lần đầu tiếp xúc đoán được Đại úy Phương Công Quý, Chính trị viên đồn Biên phòng 413 là một thanh niên Thủ đô chính hiệu với tất cả những mộng mơ, lãng mạn của một kẻ sỹ xứ Đoài. Quý bảo: ''Quê mình ở Ba Vì, Hà Nội. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, ra trường, mình có thể xin ở lại giảng dạy ở Học viện cho gần nhà. Song, những câu thơ hào sảng của nhà thơ Quang Dũng đã thôi thúc mình lên khám phá vùng Tây Bắc và duyên nợ đã gắn bó mình với mảnh đất này. Bây giờ, mình đã mua được đất ở Điện Biên và có một gia đình riêng ở TP Điện Biên Phủ. Nhiều CBCS đồn Biên phòng 413, từ Đồn trưởng Lâm (quê Phú Thọ) đến các chiến sỹ quê ở Thái Bình, Hà Nam...đều gắn bó và tìm ra ý nghĩa cuộc sống ở chính mảnh đất này. ở đây không chỉ có gian khổ thôi đâu mà còn có phong cảnh hùng vĩ, đẹp thi vị và vô cùng cuốn hút. Này nhé: Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi/Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời…/Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ… (Tây Tiến- Quang Dũng).
4 - Đêm ở Mường Nhé thật tĩnh mịch và sâu khi tiếng mưa rơi ngày càng mau trên khóm dạ lan bên hiên đồn Biên phòng 413. Giọng Phương Công Quý cũng mỗi lúc một trầm theo tiếng mưa tí tách ngoài cửa sổ: Ngày mai, nếu trời còn mưa thì bọn mình lại phải hoãn việc vào rừng lấy gỗ làm nhà ở bán trú cho học sinh. Mấy năm qua, 2 đồn Biên phòng (413 và 427) đã làm được hàng chục căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, 8 nhà bán trú dân nuôi ở 4 điểm trường. Song, vẫn còn rất nhiều công việc phải làm để cho các cháu học sinh được ngủ yên trong căn nhà gỗ mà mơ tiếp giấc mơ học hành còn dang dở. Năm hết Tết đến, tuy phần lớn CBCS đều là người miền xuôi, có anh 3-4 năm mới được về nhà, nhưng anh em đều động viên nhau yên tâm công tác, làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Cũng không ai có thì giờ để mà buồn khi mà có hàng núi công việc đang chờ người chiến sỹ Biên phòng, từ tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc biên cưong, phòng chống tội phạm, đến vận động quần chúng giữ gìn ANTT, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; chặt tre, xẻ gỗ làm nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, xây nhà bán trú dân nuôi cho học sinh, khám chữa bệnh cho nhân dân trong bản...Phương Công Quý cũng cho biết thêm, sau ''sự kiện'' ngày 1-5-2011 vừa qua ở Huổi Khon, Nậm Kè (Mường Nhé), cơ bản tình hình ANCT trong xã đã ổn định. 97 hộ (498 khẩu) đã dại dột nghe theo luận điệu tuyên truyền của bọn xấu, tụ tập đông người gây rối TTCC đã trở về nhà yên tâm sản xuất, cơ bản ổn định đời sống. Tuy vậy, BĐBP và chính quyền địa phương vẫn phải thường xuyên đề cao cảnh giác, phối hợp cùng các tổ công tác đặc biệt của tỉnh, vận động quần chúng nhân dân, đối phó với những thủ đoạn của bọn lợi dụng dân tộc, tôn giáo, phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.
5 - Trời còn chưa sáng hẳn, chúng tôi đã dậy để lên xe trở về TP Điện Biên Phủ và trở về Hà Nội. Mới một ngày ở lại biên cương, song trong mỗi tâm hồn chúng tôi đã đầy ắp nghĩa tình nơi địa đầu của Tổ quốc. Và hành trang đem theo là những tình cảm yêu thương, kính trọng đối với những CBCS Biên phòng quả cảm, hồn nhiên đang ngày đêm canh giữ biên cương và làm trọn vai trò cầu nối quân dân để giúp đỡ những cháu bé học sinh người dân tộc nghèo khó không từ bỏ giấc mơ được cắp sách tới trường. Trong màn sương giăng giăng, bình minh cực Tây đang ló rạng phía chân trời, nơi có lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay như một chấm son trên bản đồ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.