(HNM) - Trải qua gần hai chục năm bỏ nghề, đời sống của người dân Bình Minh hiện vẫn sung túc, đặc biệt là nhiều gia đình đã quan tâm hơn đến việc học hành của con em.
Những năm trước, nhắc tới làng Bình Đà (Bình Minh) - làng lớn nhất xã với hơn 8.000 dân, nhiều người nghĩ ngay đến một điểm nóng về tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường… Nhà nhà, người người tập trung làm pháo mà chẳng hết việc nên ít ai nghĩ đến việc học, chưa nói đến lo việc làng, xã. Nhưng hiện nay, từ chính quyền địa phương đến mỗi gia đình đều chung tay xây dựng, giữ gìn nét đẹp truyền thống quê hương. Chị Trần Thị Cách ở thôn Bình Đà cho hay: Chồng mất sớm, mình chị phải làm đủ nghề để nuôi 5 người con ăn học, từ thêu ren, khâu bóng đến chạy chợ. Tuy thu nhập không nhiều như làm pháo nhưng con cái có thời gian và điều kiện học hành. Vì vậy, đến nay các cháu đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định.
Nếu trước đây, trẻ con ngoài giờ học về nhà còn phụ giúp gia đình làm pháo thì nay đã có nhiều thời gian hơn để tập trung vào học tập. Đó cũng là lý do khiến số học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được gắn liền với cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó đã khơi gợi niềm tự hào về truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục trong mỗi gia đình, dòng họ. Mối quan hệ trong cộng đồng dân cư cũng ngày một tốt hơn, các mâu thuẫn trong nhân dân và hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì đều đặn, toàn xã có 8 câu lạc bộ cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh đã thu hút nhiều người dân ở mọi lứa tuổi tham gia.
Không những hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi, người dân Bình Minh còn quan tâm nhiều hơn tới việc học tập của con em, trung bình mỗi năm xã có 80-90 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chính quy. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Minh cho biết, để động viên con em học tập, ngoài quỹ khuyến học ở các thôn, xã còn thành lập hội khuyến học, hằng năm tặng thưởng cho các cháu có thành tích vươn lên trong học tập và các giáo viên dạy giỏi trên địa bàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh Bùi Văn Oánh không giấu được niềm vui: Hàng nghìn hộ xây dựng được nhà kiên cố. Nhưng để có được cuộc sống như ngày nay, người dân Bình Minh đã phải trải qua bao thăng trầm. Cách đây gần 20 năm, khi bỏ nghề pháo, toàn bộ người dân trong xã coi như mất việc làm. Xã đã đưa rất nhiều nghề mới về như thêu ren, khâu bóng… nhưng đều không "trụ" được ở vùng quê này. Xã quyết định tập trung phát triển dịch vụ, bởi người dân nơi đây vốn năng động, nhanh nhạy với thị trường. Hiện trên địa bàn xã có đủ các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại như xây dựng, vận tải, xăng dầu, cơ khí, điện tử, lương thực, thực phẩm… Một trong những nghề đã đem lại thu nhập cao cho người dân Bình Minh là dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm. Mỗi ngày các hộ dân Bình Minh giết mổ khoảng 100 con trâu, bò và trên 100 tấn gà cung cấp cho thị trường nội thành Hà Nội. Anh Vũ Văn Thồ, ở thôn Sinh Liên cho biết: "Chuyển từ nghề làm pháo sang làm nghề vận chuyển buôn bán, đời sống gia đình tôi cũng khá hơn, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn". Không riêng gì gia đình anh Thồ mà hàng trăm gia đình trong xã cũng đang thực sự thay da đổi thịt nhờ buôn bán dịch vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.