(HNM) - Hôm nay (31-8), Tổng thống Barack Obama sẽ thực hiện lời hứa với cử tri Mỹ trong chiến dịch vận động tranh cử cũng như cam kết khi bước vào Nhà Trắng rằng, sẽ rút binh sĩ tham chiến khỏi chiến trường Iraq vào năm 2010.
Đêm nay (31-8), khi người lính cuối cùng của Mỹ rời quốc gia Trung Cận Đông này, Tổng thống B.Obama sẽ có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, chính thức tuyên bố về sự kiện này. Với nước Mỹ, cuộc chiến Iraq đã khép lại; nhưng dư vị của nó sẽ mãi còn với nhiều trạng thái, cung bậc khác nhau.
Một cuộc chiến đi qua, điều mà người ta nhìn nhận tựu trung chỉ là sự thành - bại trong mục tiêu đặt ra.
Lính Mỹ tại Iraq. Ảnh: Internet |
Hơn 7 năm trôi qua kể từ ngày 20-3-2003, khi Mỹ và đồng minh khai hỏa cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein nhằm khống chế vựa dầu của thế giới để bảo đảm ổn định nguồn năng lượng cho 2 nền kinh tế giữa hai bờ Đại Tây Dương - với cớ truy tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt - tới nay Mỹ và đồng minh đạt được những gì? Cái giá mà Washington phải trả để có được "Xứ sở nghìn lẻ một đêm" là quá đắt. "Cỗ máy chiến tranh" tại Iraq đã ngốn 737 tỷ USD ngân sách của nước Mỹ. Hiển nhiên, nó đã đẩy lui nền kinh tế, khiến Mỹ mất vị trí ngôi đầu, không còn hùng mạnh như trước. Hệ lụy nhãn tiền, mất mát này đã kéo cả châu Âu vào cuộc khủng hoảng tài chính với hiệu ứng lan xa làm rung chuyển cả thế giới tài chính trong năm 2009. Ngoài ra, nước Mỹ cũng hứng chịu mất mát không thể gì bù đắp nổi, gần 4.500 lính Mỹ bỏ xác nơi chiến trường và hơn 32.000 người mang thương tật suốt đời.
Với Iraq thì sao? Gần 3.000 ngày trôi qua, Washington chỉ đạt được mục tiêu lật đổ chế độ S.Hussein. Còn vũ khí giết người hàng loạt như hạt nhân và hóa học - một nguyên cớ để Washington phát động chiến tranh - đến nay vẫn chỉ là cuộc "mò kim đáy bể" mà giới truyền thông Mỹ từng khẳng định là điều không hề có thực. Chế độ S.Hussein bị lật đổ khá dễ dàng nhờ sức mạnh quân sự của một cường quốc hàng đầu thế giới; nhưng một quốc gia ổn định và một chính phủ thân phương Tây nay vẫn chỉ là thứ hàng quá "xa xỉ" với Iraq. Nói một cách khác, vũ khí và sức mạnh Mỹ có thể nhanh chóng chiếm thành Baghdad, nhưng con tim và khối óc của nó vẫn ở đâu đó rất xa tầm tay của các lực lượng Mỹ và đồng minh.
5 tháng trôi qua, kể từ cuộc bầu cử lập pháp ở Iraq hồi tháng 3-2010, đến nay, đời sống chính trị ở Iraq vẫn hết sức rối ren. Mâu thuẫn giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và Shi'ite ngày càng gay gắt và khó dung hòa khi mối hận thù giữa người Sunni và người Kurd vẫn chưa hề được hóa giải. Không những vậy, những toan tính chính trị còn đẩy Washington vào thế đối đầu với các thành viên đảng Baath, đảng theo dòng Sunni của Saddam Hussein. Sau 24 giờ tới, khi người lính chiến đấu Mỹ rút khỏi Iraq, một lỗ hổng lớn về an ninh càng lộ rõ khiến quốc gia vùng Vịnh này khó tránh khỏi rơi vào cảnh "nồi da nấu thịt".
Thực tế ấy đã được khẳng định khi lữ đoàn chiến đấu cuối cùng của Mỹ vừa rút khỏi Iraq (ngày 19-8), tròn một tuần sau, ngày 27-8, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã phải đặt đất nước trong tình trạng báo động khủng bố cao nhất. Trước đó vài giờ, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq có liên hệ với Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm gây ra hàng chục vụ đánh bom và bắn giết ở khắp Iraq trong tuần qua làm 56 người thiệt mạng, trong đó hơn một nửa là binh lính và cảnh sát, biến tháng tám thành tháng đẫm máu nhất trong hai năm vừa qua, với trung bình 5 người bị giết hại mỗi ngày...
Không quá khó khăn để nhận ra rằng, khi lực lượng tham chiến Mỹ kết thúc sứ mệnh tại Iraq vào hôm nay, với người dân sở tại, bóng đen chiến tranh vẫn hiện hữu. Cam kết rút quân của Tổng thống B.Obama đang thành hiện thực. Cuộc lui binh chiến lược hoàn tất trong hôm nay của Nhà Trắng đánh dấu một bước mới chuyển trong chiếc lược của Mỹ trên toàn cầu. Đó là từ chiến lược can dự không xác định sang chiến lược can dự có giới hạn nhằm nhấn sâu thêm về cam kết rút quân của vị Tổng thống da màu khi chỉ còn 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ (bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện). Trong khi đó, Iraq chưa một ngày bình yên.
Sau hôm nay (31-8), Washington chỉ để lại 50.000 quân Mỹ để tiếp tục huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh cũng như người dân nước này nhằm thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố và tiến tới rút toàn bộ lực lượng vào năm 2011. Nhà Trắng vừa tìm thấy danh dự khi rút đội quân tham chiến - tương đương một thành phố 80.000 dân, trên một chặng dài khoảng 13.000km - khỏi vũng lầy Iraq. Hôm nay cũng đánh dấu sự kết thúc của "Chiến dịch giải phóng người dân Iraq" do cựu Tổng thống George W.Bush khởi xướng. Ngót 3.000 ngày qua, mảnh đất Iraq đã chỉ ra sự bất thành của một chiến dịch. Nó chẳng những đã không mang lại bình minh mới cho người dân quốc gia Trung Cận Đông này, mà còn khiến nước Mỹ suy yếu đến hàng thập kỷ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.