Các chuyên gia cho rằng, tỉnh Bình Dương xây dựng tuyến đường sắt nội tỉnh kết nối các đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng, khoa học dựa trên đặc điểm của tỉnh và vùng lân cận
Xây dựng trong 3 năm
Liên quan đến dự án đường sắt nội tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài hơn 52km, kết nối 5 đô thị lớn trên địa bàn, chiều 22-8, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương thông tin, hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (gọi tắt là Ban Giao thông tỉnh) nghiên cứu lựa chọn đơn vị tư vấn nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh sẽ có những góp ý và đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh về dự án này. Theo đó, tuyến đường sắt nội tỉnh bắt đầu từ ga Bàu Bàng và kết thúc ở ga An Bình, sẽ đi qua 5 huyện, thành phố và thị xã, gồm: Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An. Tuyến đường sắt gồm có 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch, dự kiến công trình sẽ được khởi công năm 2027 và hoàn thành vào năm 2030. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.000 tỷ đồng, sử dụng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công - tư (PPP).
Tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ đưa Bình Dương trở thành tỉnh có tốc độ phát triển tăng nhanh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Tân An Phát Phan Tuấn Anh (Khu công nghiệp VSIP 1, tỉnh Bình Dương) cho biết, nếu các tuyến đường sắt được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa, từ đó tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường.
Thận trọng khi thực hiện
Trao đổi với Báo Hànộimới về dự án đường sắt nội tỉnh Bình Dương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ và tán thành việc xây tuyến đường sắt này. Khi tuyến đường sắt hình thành, sẽ giảm áp lực cho giao thông đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi từ xe cộ gây ra.
Tuyến đường sắt cũng sẽ tạo đòn bẩy cho các khu đô thị dọc tuyến phát triển, đặc biệt là các vùng xa như Bến Cát, Tân Hưng, Bàu Bàng…, không gian đô thị và khu dân cư hình thành theo hướng TOD - Transit Oriented Development (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
“Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cần lưu ý về thời gian xây dựng trong 3 năm (2027-2030) liệu có khả thi?; Nguồn lực xây dựng tuyến có bảo đảm không?”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoàng đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển thêm loại hình giao thông vận tải đường sắt là rất tốt, giúp hoàn thiện các loại hình giao thông. Trong đó, đường sắt có ưu điểm vận chuyển được khối lượng lớn cả hành khách lẫn hàng hóa, giúp giảm mật độ đi lại bằng xe cá nhân. Mặt khác, giúp phát triển đô thị dọc tuyến, tạo sự phát triển đồng đều về mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Thế nhưng, nhược điểm là nếu không xây dựng ngầm hoặc đi trên cao, nhất là khi đi qua các khu đô thị đông dân cư thì yếu tố an toàn không được bảo đảm. “Điều quan trọng nữa là khi xây dựng cũng phải tính toán hướng tuyến như thế nào để không phá vỡ quy hoạch, tính toán đi qua các đầu mối giao thông quan trọng để thu hút hành khách và hàng hóa. Trở ngại lớn nhất nữa là công tác giải phóng mặt bằng, thu hút vốn đầu tư, cơ chế, chính sách. Nếu Bình Dương giải quyết được hết các trở ngại trên tôi tin sẽ làm được”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Võ Kim Cương nhấn mạnh.
Còn theo Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia nghiên cứu về hạ tầng đô thị, cần lưu ý về tính kết nối của tuyến đường sắt này với các loại hình giao thông vận tải khác, nhất là vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, khi thực hiện, tỉnh nên tổ chức đấu thầu công khai, để tìm được nhà thầu đủ năng lực, không nên chỉ định thầu.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Thuận thông tin, ngoài các tuyến đường sắt nội tỉnh, Bình Dương cũng có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt để kết nối với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dài hơn 80km. Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai thống nhất kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Trong đó, nhánh tới Bình Dương dài gần 30km.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.