Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình đẳng giữa người tự ứng cử và đề cử

Hà Phong| 09/04/2011 05:25

(HNM) - Theo thông tin mới nhất, sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lập danh sách 1.086 người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở cả TƯ và địa phương.

Với chức năng giám sát, kiểm tra, giới thiệu, lựa chọn đại biểu ra ứng cử, cơ quan này khẳng định quan điểm xuyên suốt: hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các ứng cử viên bình đẳng trong việc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Ít về lượng, tinh về chất


Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị hiệp thương.  Ảnh: Bảo Lâm

Theo ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, trong 1.086 người ứng cử ĐBQH, phụ nữ có 338; dân tộc thiểu số là 172 người; ngoài Đảng 213. Số người tự ứng cử ĐBQH khóa XIII (83 người) chỉ bằng khoảng 1/3 số người tự ứng cử ĐBQH khóa XII. Cũng có người đặt vấn đề rằng, trong điều kiện ý thức chính trị của người dân ngày càng cao, dân chủ xã hội ngày càng mở rộng mà số người tự ứng cử ít như vậy thì có phản ánh đúng thực tiễn xã hội hay không? Xem xét kỹ trình độ, năng lực của các ứng cử viên lần này có thể khẳng định là có. Khóa trước, rất nhiều người tự ứng cử chưa có vốn sống thực tiễn, chưa có những trải nghiệm cần thiết để gánh vác trách nhiệm của một người đại diện cho nhân dân nên không được dân tín nhiệm. Cuộc bầu cử lần này có 83 người tự ứng cử, xét cả về trình độ, năng lực, điều kiện hoạt động QH đều cao hơn hẳn. Thực tiễn sinh hoạt nghị trường thời gian gần đây được truyền hình trực tiếp nhiều hơn đã cho thấy, làm ĐBQH sức ép cao, trách nhiệm rất lớn nên những ai cảm thấy không có đủ thời gian và tâm huyết thì khó có thể tự ứng cử, xác định gánh vác trọng trách. Đây mới là sự phản ánh trung thực ý thức chính trị của người dân và sự dân chủ xã hội.

Với mong muốn có nhiều người tự ứng cử thay dân gánh vác việc nước và đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm hợp lý, năm nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử TƯ đã thống nhất một quy định khá mở: người tự ứng cử ĐBQH vì lý do sức khỏe, đi công tác đột xuất mà không đến dự hội nghị lấy ý kiến cử tri được thì ủy quyền cho người đại diện của mình đến dự. Người được ủy quyền có quyền phát biểu ý kiến tại hội nghị này. Ngoài cơ chế trên, điều kiện vận động bầu cử của người được TƯ giới thiệu về ứng cử ở địa phương và người tự ứng cử là bình đẳng.

Bình đẳng

Theo quy định, sau khi đăng ký ứng cử và được đưa vào danh sách ứng cử, thì các ứng viên đều về địa phương tiếp xúc cử tri và trình bày chương trình hành động của mình. MTTQ Việt Nam sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả ứng cử viên tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động với cử tri. Còn lựa chọn ai làm đại biểu là do cử tri quyết định. Để có số phiếu bầu cao, các ứng cử viên phải mang được thực tiễn cuộc sống vào quá trình vận động bầu cử. Hứa chung chung rất khó thuyết phục cử tri. Việc này đặc biệt quan trọng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - nơi quy tụ nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân giỏi. Theo ông Nguyễn Văn Pha, với các đại biểu là người của cơ quan TƯ được giới thiệu về địa phương ứng cử hay với đại biểu tự ứng cử thì việc đầu tiên là phải bằng mọi cách tìm hiểu về địa phương đó, cả về điều kiện KT-XH, truyền thống văn hóa, tập tục sinh hoạt… để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế và trong khả năng mình có thể thực hiện được. Kinh nghiệm cho thấy, nếu một người ứng cử ở địa phương mà không biết địa phương đó có bao nhiêu huyện, bao nhiêu xã, địa bàn mình ứng cử là đồng bằng màu mỡ hay núi đá cao nguyên hiểm trở, có bao nhiêu dân tộc sinh sống, tập quán sinh hoạt, điểm yếu, điểm mạnh như thế nào thì chắc là khó được cử tri đồng cảm và tin tưởng.

Kinh nghiệm các kỳ bầu cử còn cho thấy, chương trình hành động của ứng cử viên ngoài bám sát thực tiễn địa phương còn phải tránh hai thái cực: quá chung chung hoặc quá cụ thể. Tranh cử mà chỉ nói là tôi sẽ làm việc A, B cho nhân dân địa phương là chưa đủ. Về lập pháp, cần phải trả lời cho được câu hỏi sẽ làm gì để trong điều kiện của QH khóa mới có thể góp sức xây dựng pháp luật hoàn thiện, hài hòa, tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Rồi trong giám sát sẽ phải ưu tiên vấn đề gì: phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, hay khiếu nại tố cáo... cho phù hợp với tình hình hiện nay. MTTQ Việt Nam khuyến khích cạnh tranh giữa các ứng cử viên, nhưng phải có tổ chức, thông qua diễn đàn tiếp xúc cử tri do MTTQ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Tất cả là nhằm tránh dân chủ cực đoan, tránh thủ đoạn mua chuộc cử tri hoặc bôi xấu đối thủ hoặc lợi dụng diễn đàn để làm tổn hại danh dự bất kỳ cơ quan, tổ chức nào hoặc đề cao cá nhân vi phạm các quy định Luật Bầu cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giữa người tự ứng cử và đề cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.