(HNM) - Sau hơn hai năm có hiệu lực (từ tháng 7-2007), Luật Bình đẳng giới (BĐG) vẫn còn mang tính
Thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới là điều kiện mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình. Ảnh: Bá Hoạt
- Theo bà, cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho nữ giới liệu có khiến không ít nam giới lo lắng sẽ bị phụ nữ "lấn át"?
- Cần phải làm rõ rằng bình đẳng giới không có nghĩa phụ nữ làm thay đàn ông, chiếm vị trí của đàn ông mà tiến tới sự tôn trọng lẫn nhau, tránh các khuôn mẫu cho rằng việc này chỉ phụ nữ mới được làm, hoặc chuyện kia là thấp kém đối với đàn ông. Truyền thông cũng cần tuyên truyền để nam giới hiểu rằng BĐG có lợi cho cả nam và nữ, tránh gây áp lực cho cả hai giới. Khi phụ nữ có cơ hội phát triển thì gia đình sẽ được chăm sóc tốt hơn, con cái được giáo dục tốt hơn, kinh tế phát triển khá hơn, xã hội tiến bộ hơn.
- Nhưng tại sao ngay cả phụ nữ cũng không ít người thích "lép vế" hơn là tự lực vươn lên?
- Đó là vì phụ nữ đã được hưởng quyền bình đẳng khá muộn, do vậy chính chị em cũng gặp nhiều lúng túng trong việc sử dụng các kỹ năng dành cho việc thực hiện bình đẳng. Nhiều người không thể làm chủ được tự do, không dám lựa chọn, không vượt lên những tập quán đã hình thành qua hàng chục năm về địa vị và vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình. Điều đó gây trở ngại cho chính họ trong việc tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời cũng gây "hiểu lầm" trở lại rằng chính phụ nữ không muốn bình đẳng và không thể hưởng thụ được quyền bình đẳng.
- Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác quản lý ngày càng cao. Theo bà, điều này đã đủ thuyết phục về sự bình đẳng thực chất chưa?
- Hiện nay, trong các nghiên cứu giới, chúng tôi đang có hai khái niệm mới. Đó là "hội chứng cấp phó" và "hiệu ứng trần kính". Cho dù tỷ lệ tham gia lãnh đạo của phụ nữ ngày càng cao nhưng đại đa số phụ nữ giữ chức "phó", giữ vai trò giúp việc, làm công việc "nội tướng" của cơ quan hoặc "làm nền" cho thủ trưởng mà không có thực quyền, không có tiếng nói thuyết phục, ảnh hướng đến các chính sách hoặc quyết định quan trọng của công ty, cơ quan. Còn "hiệu ứng trần kính" là việc chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những mục tiêu BĐG một cách dễ dàng, cơ hội tưởng như mở ra với tất cả nữ giới, tưởng chừng dễ với, dễ đạt được nhưng trên thực tế, không phải ai cũng với tới được vì những rào cản vô hình (định kiến, khuôn mẫu giới). Trong nhiều cơ quan cũng thường đem khẩu hiệu "bình đẳng giới" trưng bày trong các "tủ kính" nên dễ nhìn thấy, dễ được nhắc đến nhưng chị em vẫn khó với tới. Trên thực tế, thực hiện BĐG không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế.
- Trong thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện nay, việc thực hiện BĐG có thể làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp?
- Đúng như vậy. Có một thực tế, do các doanh nghiệp không có chế độ bảo hiểm thai sản, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ nên đa số cảm thấy bấp bênh, nhảy việc thường xuyên. Khi mức độ luân chuyển lao động cao thì doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng bị động, sản xuất bị đình trệ. Đồng thời, nếu ký hợp đồng ngắn hạn thì doanh nghiệp cũng không có kế hoạch đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ thuật, trình độ sản xuất thấp thì lợi nhuận sẽ không cao.
- Việc bảo đảm sự bình đẳng cho phụ nữ trong gia đình liệu có đem lại những lợi ích về kinh tế?
- Rõ ràng khi vị thế của người phụ nữ được nâng lên, thì họ có nhiều cơ hội hơn trong học tập, nâng cao năng lực, có cơ hội tiến tới các nghề nghiệp có trình độ cao, thu nhập lớn. Đó là chưa kể đến việc khi có BĐG, bạo lực gia đình được giảm bớt, sức khỏe thể chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình được bảo đảm, sẽ bớt rất nhiều chi phí cho y tế, công việc cũng bảo đảm.
- Các quỹ tín dụng ưu tiên phụ nữ nghèo được vay vốn có phải là cách để giúp chị em có được sự bình đẳng?
- Các quỹ tín dụng nhỏ lẻ thông qua hội phụ nữ đúng là đã phát huy được quyền lợi của phụ nữ, giúp nhiều chị em thoát nghèo. Nhưng cũng phải xem xét một điều, nếu như quỹ cho phụ nữ vay vốn, tự lực kiếm sống, có nghĩa chị em phải làm nhiều hơn. Có thể thu nhập gia đình sẽ tăng, kinh tế được cải thiện nhưng chưa chắc chị em đã có quyền quyết định đối với số tiền mà mình đã vất vả làm ra, sự hưởng lợi của chị em là chưa cao. Vì thế, ngoài việc cấp vốn, cung cấp kỹ năng sản xuất, các dự án cho vay vốn cần có kế hoạch nâng cao ý thức giới, động viên sự tham gia và chia sẻ của các ông chồng. Có như vậy, chị em mới có thêm cơ hội hưởng lợi từ nguồn kinh tế mình làm ra và bảo đảm hạnh phúc gia đình.
GIA LINH - HẢI HÀ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.