Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bình đẳng giới” bằng việc làm !

Hoàng Thu Vân| 08/03/2011 07:26

(HNM) - Mấy năm gần đây, cụm từ


Xét về giới tính, dường như nam giới ít muốn nhắc tới cụm từ này so với nữ giới. Nhưng giữa nói và... làm là một khoảng cách mà không thể chỉ thu hẹp trên lý thuyết. Đã có rất nhiều phụ nữ nói về bình đẳng giới bằng việc so đo với đàn ông trong chuyện trụ cột kinh tế gia đình, nuôi con, làm việc nhà hoặc bếp núc gia đình... Lại có người lấy "tây" ra làm dẫn chứng: Cứ nhìn khách nước ngoài sang Việt Nam du lịch mà học, họ có thể chăm chút cho con cái, địu con trên lưng như mang vác ba lô đi khắp các ngõ phố hay phụ việc cùng vợ hoặc trực tiếp làm đầu bếp nấu nướng... mà không một lời phàn nàn, trong khi đó phụ nữ ung dung ngồi tán gẫu, uống cà phê, phì phèo thuốc lá... Như thế là bình đẳng giới ?

Theo tài liệu của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2004 thì "bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới". Với khái niệm này thì bình đẳng giới không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và cũng không phải là sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỷ lệ 50/50 mà là sự khác biệt về giới tính trong các vai trò sản xuất, tái sản xuất, vai trò chính trị và cộng đồng, đặc biệt là sự chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc các thành viên gia đình để tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện. Đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống do việc mang thai, sinh con và gánh vác phần lớn lao động gia đình...

Chắc sẽ còn rất nhiều gạch đầu dòng nữa, nhưng những điều cơ bản trên cho thấy vấn đề bình đẳng giới không phải đã được mọi người hiểu một cách đầy đủ và cặn kẽ.

Năm 1910, Tuyên ngôn về quyền bình đẳng của phụ nữ được công bố tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) lần đầu tiên vấn đề bình đẳng cho phụ nữ đi làm việc được đặt ra với các nguyên tắc cơ bản: Làm việc ngày 8 tiếng (để chăm sóc gia đình); giờ làm ngang nhau thì tiền công phải được trả ngang nhau; phụ nữ lao động có con nhỏ phải được dành thời gian cho con bú... Hơn 100 năm sau, tại buổi giao lưu trực tuyến của Báo Tuổi trẻ về bình đẳng giới, một bạn trai đặt câu hỏi: Hiện nay chúng ta thường nói về bình đẳng giới và phong trào giải phóng phụ nữ, sự bất bình đẳng này do người khác gây ra cho phụ nữ hay do chính bản thân phụ nữ muốn như thế? Tại sao tôi hỏi như vậy bởi vì tôi thấy hiện nay có nhiều bà mẹ trẻ học thức rất cao nhưng vẫn muốn có con trai, làm mọi cách để có con trai. Phải chăng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn tồn tại ngay trong chính suy nghĩ của phụ nữ...

Khi hiểu chưa trọn vẹn thì khó thể có hành động, thái độ ứng xử trước các vấn đề, tình huống... một cách đúng đắn. Đó cũng chính là nguyên nhân mà cả xã hội của chúng ta vẫn đang phải phấn đấu cho việc bình đẳng giới. Trên thực tế, hiện nay trong các lĩnh vực như tuyển dụng, bố trí việc làm, đào tạo, bổ nhiệm... các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt chú trọng và hướng tới đối tượng phụ nữ. Các ngành, đơn vị và các cấp chính quyền cũng đã quyết liệt thực thi chính sách bằng những hành động cụ thể. Trong mỗi tế bào của xã hội - nghĩa là từng mái ấm gia đình - vai trò của người phụ nữ đã và đang được nâng lên đúng mức với sự đồng tình ủng hộ của phái mày râu. Song từng đó vẫn là chưa đủ khi bản thân người phụ nữ chưa hiểu đầy đủ về bình đẳng giới. Đơn giản nhất, đó không phải là sự phân chia 50/50 mọi khía cạnh, vai trò trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bình đẳng giới” bằng việc làm !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.