Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự và phát biểu (HNM) - Sáng 12-5, tại Thủ đô Hà Nội, 1.702 đại biểu đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào 53 dân tộc thiểu số (DTTS) hân hoan dự khai mạc Đại hội đại biểu (ĐHĐB) toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo ĐH.
* Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự và phát biểu
(HNM) - Sáng 12-5, tại Thủ đô Hà Nội, 1.702 đại biểu đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào 53 dân tộc thiểu số (DTTS) hân hoan dự khai mạc Đại hội đại biểu (ĐHĐB) toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo ĐH.
Cùng dự còn có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương… Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi lẵng hoa; Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng ĐH.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chụp ảnh chung với các đại biểu. Ảnh: Viết Thành |
Phát biểu khai mạc ĐH, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ ĐH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, sinh thời, Bác Hồ đã cùng Đảng và Nhà nước ta quan tâm tổ chức hai ĐHĐB các DTTS ở miền Bắc và miền Nam. Thực hiện lời dạy của Người, đồng bào các DTTS cả nước đã chung sức, chung lòng góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống của đồng bào các DTTS không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là tình cảm, sự đền ơn, đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc, miền núi được ban hành kịp thời, hợp lòng dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống đồng bào.
Phát biểu tại ĐH, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước, đặc biệt là những cố gắng lớn lao của đồng bào các DTTS đã đồng lòng, chung sức từng bước làm "thay da đổi thịt" vùng dân tộc và miền núi, vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ rõ rệt, to lớn và quan trọng, từ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho đến phát triển các mặt KT-XH, văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh và phát động các phong trào quần chúng… Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp, việc xây dựng và triển khai một số chính sách dân tộc còn bất cập, nguồn lực đầu tư hạn chế nên vùng dân tộc và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn gặp nhiều khó khăn…
Tổng Bí thư chỉ đạo Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở TƯ, địa phương cần nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đó thành chương trình hành động của Chính phủ, của các cấp, các ngành nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, cùng với sự phát triển chung, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: MTTQ và các đoàn thể tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; học tập tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là một cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và phát triển bền vững của đất nước và dân tộc. Cùng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc, các ngành, các cấp cần tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn vùng dân tộc, phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Ngoài ra, phải kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào, làm phương hại đến trật tự ATXH, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Thay mặt BCH TƯ Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tặng ĐH bức trướng với nội dung: "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".
* Tối 12-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, 455 nghệ nhân, diễn viên đến từ 30 tỉnh, TP đã tham gia dạ hội với quy mô hoành tráng chào mừng ĐHĐB toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, hơn 1.400 học sinh, sinh viên và 1.702 đại biểu DTTS tham dự đêm dạ hội.
Trong suốt 120 phút, đêm hội đã giới thiệu đủ hương sắc ba miền Bắc - Trung - Nam, với ba mảng sân khấu. Mảng chính được thiết kế mang đậm hơi thở đồng bằng và miền núi phía Bắc với những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số và các loại hình âm nhạc truyền thống như ca trù, chầu văn, chèo... Mảng sân khấu thứ hai mang đậm phong cách miền Trung và Tây Nguyên với màn múa cồng chiêng sôi nổi, những bài chòi mang đậm màu sắc riêng của từng vùng. Mảng sân khấu thứ ba giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ như đờn ca tài tử, vọng cổ, di sản văn hóa của đồng bào Chăm... Điểm nhấn của đêm hội là màn múa sạp, hát xoan, múa xòe vòng tại trung tâm sân khấu với tất cả các đại biểu, nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia chương trình.
Hôm nay (13-5), ĐH tiếp tục làm việc.
Cụ Thào Khua Chỉnh (103 tuổi), dân tộc Mông (đoàn Sơn La): Ơn Đảng nhiều lắm Vinh dự cho tôi lần này được về dự ĐH. Tôi biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm. Nhờ chính sách dân tộc của Đảng, tôi đã nhận được 300ha rừng khoanh nuôi tái sinh, từ đó có công ăn việc làm xóa được cái đói nghèo. Không riêng tôi, nhiều đồng bào khác cũng vậy. Hiện tại, tôi đang cùng với đồng bào đưa cây cao su vào đồng đất Sơn La làm cây đa mục tiêu xóa nghèo, làm giàu bền vững. Tôi tự nhủ phải sống tốt hơn, thật sự là cây cao bóng cả, xứng đáng là người lính Cụ Hồ. Ông Đinh Thoang, dân tộc Bana (đoàn Bình Định): Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào DTTS Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có 12 DTTS. Những năm qua, Vĩnh Thạnh đã có sự phát triển, đời sống của bà con các dân tộc đã được cải thiện một bước. Tuy nhiên, Vĩnh Thạnh vẫn là một trong 62 huyện nghèo. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, nhất là ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở thiết yếu, tập trung đầu tư phát triển ở các địa phương còn nghèo; quan tâm đào tạo, dạy nghề, dịch vụ việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào. Anh Vàng Xuân Hiệp, dân tộc Si La (đoàn Lai Châu): Phát huy bản sắc các dân tộc Dân tộc Si La chúng tôi hiện chỉ có khoảng 520 người, sinh sống ở các rẻo cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ khi có nghị quyết của Đảng về bảo tồn và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, người Si La đã giữ vững và phát huy được bản sắc của dân tộc mình như các lễ hội, kho tàng văn học dân gian… Người Si La hôm nay nhiều hộ đã có ti vi, xe máy, có nước sinh hoạt, biết trồng lúa nước, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Qua ĐH, tôi hy vọng có nhiều ý kiến đóng góp để minh chứng sự bảo tồn của một trong 54 dân tộc anh em. Em Lò Văn Thỏa (13 tuổi), dân tộc Ơ Đu (đoàn Nghệ An): Giúp dân tộc ít người phát triển Em vui lắm khi đại diện cho hơn 600 người Ơ Đu (một trong những DTTS ít người nhất ở Việt Nam), vừa là người trẻ tuổi nhất dự ĐH. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà gia đình em đã xây được ngôi nhà mái ngói; con đường em đến trường cũng đã dễ đi hơn. Em mừng lần này ra Hà Nội có điều kiện học hỏi các dân tộc anh em. Sau này em sẽ học giỏi, trở thành giáo viên dạy chữ cho người Ơ Đu, để người Ơ Đu không thua kém dân tộc khác. Lê Hoàn(ghi) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.