(HNM) - Ngày 21-6 vừa qua, cô và trò nhà trẻ
Một tiết mục biểu diễn của thầy, trò nhà trẻ Đức - Việt. |
Chủ tịch Hội Đức - Việt, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền đánh giá sự hiện diện của ngôi trường là một trong những điển hình cho hợp tác Việt - Đức trong tương lai, bởi khởi nguồn từ đây sẽ có nhiều người nói được cả tiếng Đức và tiếng Việt. Ông Hiền cho rằng, sau Đại học Việt - Đức ở Việt Nam thì đây là một biểu tượng nữa cho mối quan hệ hợp tác Việt -Đức trong lĩnh vực giáo dục, là dấu ấn quan trọng cho kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Đức vào năm 2015.
"Bên cây Dẻ cổ thụ" được tổ chức theo mô hình nhà trẻ song ngữ Đức-Việt đầu tiên với dự án mang tên "Xin chào" nhằm xây dựng niềm tin giữa cha mẹ, trẻ em và các giáo viên, giúp phụ huynh và học sinh có thể giao tiếp bằng cả tiếng Việt và tiếng Đức, hỗ trợ sự hội nhập của trẻ em từ những gia đình có nguồn gốc nhập cư, dạy tiếng thông qua giao tiếp hằng ngày. Nhà trẻ nằm trong một tòa nhà 3 tầng cổ kính được xây dựng trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Giữa sân trường là cây Dẻ cổ thụ hơn 200 tuổi nằm trong danh mục bảo vệ thiên nhiên với bóng mát phủ khắp sân và vườn trường. Vì vậy nhà trẻ mới mang tên "Bên cây Dẻ cổ thụ" và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2013. Dự án này xuất phát từ thực tiễn 90% các bà mẹ Việt Nam tại Đức không có khả năng hoặc chỉ có khả năng giao tiếp tối thiểu với các cô giáo nhà trẻ bằng tiếng Đức trong khi đa số trẻ em Việt Nam trước khi đến nhà trẻ chỉ nói được tiếng Việt. Vì vậy, ngôi trường ra đời sẽ giúp các cháu cảm thấy tự tin hơn khi tiếng mẹ đẻ cũng được nói ở nhà trẻ và từ đó sẽ tiếp thu tiếng Đức thuận lợi hơn. Theo mô hình này, tỷ lệ trẻ em gốc Việt là 40%, còn lại là trẻ em Đức và các nước khác. Tiếng Đức là ngôn ngữ thứ nhất do các cô giáo người Đức dạy, trong khi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai do người Việt trợ giảng thông qua giao tiếp. Hiện nay có ba cô giáo và trợ giáo người Việt làm việc ở nhà trẻ này. Không chỉ các cha mẹ người Việt rất yên tâm và hài lòng với việc gửi con ở đây mà một số cha mẹ người Đức cũng ngạc nhiên và tự hào rằng con họ đột nhiên hát và đếm bằng tiếng Việt ở nhà.
Nhà trẻ song ngữ Đức - Việt đầu tiên ở Berlin đã hoạt động đúng như mục tiêu và bước đầu đã có những kết quả tích cực, hứa hẹn sự phát triển trong thời gian tới. Hơn thế, đây là một mô hình lý tưởng cho việc giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa cho cộng đồng người Việt ở Berlin. Hiện nhà trẻ vẫn tiếp tục nhận thêm các cháu và mở rộng quy mô về số lớp. Sự kiện nhà trẻ song ngữ Đức - Việt đầu tiên đã xuất hiện ở Berlin là một tin vui của cộng đồng người Việt. Ông Nguyễn Phúc Hiền cũng mong muốn mô hình này sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng người Đức và người Việt Nam tại Đức để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương ở hai nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.