Làn sóng biểu tình phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ do chính phủ áp đặt để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đã và đang tiếp tục lan rộng tại một số nước khu vực đồng euro như Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Người biểu tình phản đối trước tòa nhà Quốc hội ở Athens. (Ảnh: THX) |
Ngày 31/5, hàng chục nghìn người Hy Lạp đã biểu tình ở thủ đô Athens phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ do chính phủ nước này đưa ra để đổi lấy khoản cứu trợ quốc tế.
Cuộc biểu tình thứ nhất diễn ra ở khu vực trường Đại học tổng hợp Athens, với sự tham gia của khoảng 8.000 người, trong khi cuộc biểu tình thứ hai, với sự tham gia của khoảng 7.000 người, đã diễn ra tại quảng trường trung tâm Syntagma ngay trước trụ sở Quốc hội.
Tham gia biểu tình có một số nhà hoạt động xã hội và nghệ sĩ nổi tiếng ở Hy Lạp. Phát biểu trước đám đông người biểu tình trong khuôn viên Đại học tổng hợp Athens, nhà soạn nhạc nổi tiếng Mikis Theodorakis đã phản đối mạnh mẽ biện pháp kinh tế thắt chặt làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và cho rằng chính sách kinh tế hiện nay của Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou sẽ đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong thời gian gần đây, người dân Hy Lạp đã tiến hành các cuộc biểu tình và một số hoạt động ở các quy mô khác nhau phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Athens phải áp dụng để đổi lấy khoản cứu trợ 110 tỷ euro (155 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc biểu tình gần đây nhất diễn ra tại Athens ngày 25/6 với sự tham gia của khoảng 15.000 người. Đây là cuộc biểu tình phi chính trị quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Hy Lạp lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công.
Ngày 31/5, nhiều người Tây Ban Nha tham gia các hoạt động phản đối các chính sách kinh tế của chính phủ tuyên bố sẽ nối lại các cuộc biểu tình nếu cảnh sát phá dỡ các lều trại của hàng nghìn thanh niên đã dựng tại quảng trường Puerta del Sol ở trung tâm thủ đô Madrid từ cách đây hai tuần, coi đó là một cách hành động phản đối tình trạng tham nhũng chính trị, cắt giảm phúc lợi xã hội và thất nghiệp gia tăng hiện nay ở Tây Ban Nha.
Cho dù kinh tế đã tăng trưởng nhẹ trong năm nay, song tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã tăng lên mức 21,19% trong quý 1, cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao trong thanh niên dưới 25 tuổi, lên tới 44,6% trong tháng 2.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.