Chiều 2/6, cuộc biểu tình của hàng trăm phụ nữ nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc đã diễn ra tại trụ sở Ủy ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc ở trung tâm thủ đô Seoul, để phản đối vụ sát hại cô dâu Hoàng Thị Nam.
Biểu tình phản đối vụ sát hại cô dâu Việt tại Hàn Quốc. (Ảnh: Anh Nguyên/Vietnam+) |
Cuộc biểu tình lần này do Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Seoul phối hợp với các tỉnh lân cận tổ chức.
Cuộc biểu tình đã quy tụ đông đảo các cô dâu của nhiều nước đang sinh sống tại Hàn Quốc để bày tỏ sự phẫn nộ về vụ Hoàng Thị Nam bị chồng sát hại dã man tại tỉnh Kyeongsang Bắc hôm 24/5 khi mới sinh con được 19 ngày.
Với khẩu hiệu "chống bạo hành phụ nữ di trú," "không thể để những cái chết thương tâm tái diễn," các nhà hoạt động nhân quyền nữ giới Hàn Quốc, thành viên các trung tâm hỗ trợ phụ nữ di trú kết hôn, trung tâm đa văn hóa các tỉnh đã tham gia đông đảo để bày tỏ tiếng nói mạnh mẽ lên chính phủ và các cơ quan hữu trách Hàn Quốc. Họ cho rằng cần có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ phụ nữ di trú kết hôn, xã hội Hàn Quốc cần bảo đảm nhân quyền cơ bản cho nữ giới và đặc biệt là phụ nữ di trú.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, bà Heo YoungSug, thuộc ban tổ chức biểu tình cho biết hôm 27/5, bà cùng các đồng nghiệp xuống dự tang lễ cô dâu Hoàng Thị Nam tại huyện Jeonggun. Tất cả mọi người đều không thể cầm nước mắt. Họ nghĩ rằng không thể để sự việc trôi qua một cách dễ dàng như vậy, mà cần phải làm điều gì đó cho những người đã chết và cũng là để cho những cô dâu đang sống ở Hàn Quốc, và những người sẽ tới Hàn Quốc.
Bà Heo cho biết Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú dự định tiếp tục tổ chức tuần hành tại các tỉnh ngoài Seoul như Incheon, Gyeongy và những nơi có đông cô dâu nước ngoài sinh sống nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi nếp nghĩ của người bản địa.
Phát biểu tại cuộc biểu tình, chị Son Tanya, người Kazakhstan, đang làm việc cho Trung tâm hỗ trợ đa văn hóa thành phố Incheon đã nức nở, vừa nói: "Các cô gái trẻ Việt Nam, Campuchia, Mông Cổ... có gì sai khi mà họ chỉ ước muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Những cô gái trẻ trong độ tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất đã lìa xa cha mẹ sang đất khách quê người với hy vọng tràn trề sẽ được yêu thương nhưng họ lại không thể nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ ngay những người thân thiết nhất là chồng và gia đình chồng. Tại sao các ông chồng Hàn Quốc, các bà mẹ chồng lại có thể nhục mạ các cô dâu rằng không nói được tiếng Hàn, không hiểu văn hóa Hàn? Họ có tự hỏi rằng liệu họ có nói được một câu tiếng nước ngoài nào không?"
Cô Tanya cho rằng các vụ bạo hành dã man gia tăng liên tục ở Hàn Quốc khiến các cô dâu nước ngoài cảm thấy bất an, họ không có cảm giác Hàn Quốc là quốc gia an toàn để sinh sống.
Cô dâu Lee Mee-young (Trung Quốc) thì nói rằng, với các cô dâu nước ngoài, những ngày đầu sang Hàn Quốc vô cùng cô đơn, khó nhọc. Họ phải sống với mẹ chồng suốt cả ngày trong khi chồng đi làm mà không có sự cảm thông. Họ sợ đến toát mồ hôi mỗi khi mẹ chồng kêu “Yaa” (cách người Hàn Quốc gọi kiểu như “này” trong tiếng Việt) tại sao lại không làm thế này, tại sao lại không thế kia... Họ không bạn bè, không người thân, không thông ngôn ngữ, không biết cầu cứu sự trợ giúp ở đâu. Cảm giác khi đó là họ không coi các cô dâu nước ngoài là người, chỉ như một thứ đồ vật, mang về không hài lòng thì tùy ý thải trở lại.
Cô dâu Việt Nam Nguyễn Ngọc Cần trong phát biểu của mình nhấn mạnh Hàn Quốc đã vận động hô hào cho một xã hội đa văn hóa nhưng điều đó mới chỉ dừng ở khẩu hiệu.
Đa văn hóa nghĩa là các nền văn hóa phải cùng giao lưu, cộng hưởng và cùng tồn tại. Song người Hàn Quốc nhìn chung vẫn có cài nhìn miệt thị, bàng quan với những phụ nữ nước ngoài kết hôn với người nước họ, đặc biệt là những cô dâu đến từ các nước nghèo hơn ở Đông Nam Á.
Chị Cần cho rằng sự thiếu chia sẻ, cảm thông trong nếp nghĩ của người dân Hàn Quốc cần phải thay đổi thì mới không xảy ra những bi kịch như đối với Hoàng Thị Nam.
Anh Lee Young thuộc Hiệp hội ủng hộ người di trú và lao động nước ngoài Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc như đối với cô dâu Hoàng Thị Nam là Hàn Quốc chưa có những biện pháp hữu hiệu để trợ giúp các cô dâu khi họ cần.
Thêm vào đó, thái độ "trọng nam, khinh nữ" trong xã hội vẫn là một nếp nghĩ phổ biến khiến nhân quyền của phụ nữ không được bảo vệ.
Qua vụ việc này, Chính phủ Hàn Quốc cần siết chặt hơn nữa hoạt động của các công ty môi giới kết hôn quốc tế, không thể để các công ty này kinh doanh dựa trên sinh mạng của con người.
Trong nỗi đau và nước mắt, đoàn biểu tình lặng lẽ rước ảnh 7 cô dâu, trong đó có 5 cô dâu Việt Nam, tiến về trụ sở Bộ Gia đình và Phụ nữ để chuyển thống điệp: “Hãy bảo vệ quyền cơ bản của phụ nữ di trú, hãy tạo một xã hội an toàn, bình đẳng cho phụ nữ di trú yên tâm xây dựng cuộc sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.