Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu tình lớn tại châu Âu chống chính sách “khắc khổ”

Lam Bình| 16/09/2012 10:27

Hơn 150.000 người biểu tình tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để phản đối các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu mà chính phủ ban hành theo điều kiện của gói cứu trợ tài chính.

Hơn 100.000 người biểu tình tại Tây Ban Nha


Ngày 15/9, hàng chục nghìn người từ khắp nơi trên cả nước Tây Ban Nha đã tập hợp về thủ đô Madrid tham gia cuộc biểu tình lớn phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ nước này.

Cuộc biểu tình do liên minh "Hội nghị thượng đỉnh xã hội" gồm hàng trăm tổ chức xã hội đứng ra tổ chức. Phần lớn những người tham gia biểu tình là viên chức nhà nước phản đối việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ xã hội. Phát biểu tại cuộc biểu tình, Tổng thư kí liên hiệp công đoàn "Các ủy ban công nhân" Ignacio Fernades Toso cho rằng chính phủ Tây Ban Nha đang thực hiện chính sách phục vụ lợi ích của các thị trường tài chính quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chứ không phải vì lợi ích của nhân dân Tây Ban Nha.

Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi Tây Ban Nha tuyên bố sẽ đưa ra những cải cách kinh tế mới vào cuối tháng 9 này, nhiều khả năng sẽ tăng cường các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này rơi vào suy thoái kép với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Các biện pháp này được xem là dự báo chương trình kinh tế mà Tây Ban Nha sẽ phải thực thi để được nhận hỗ trợ từ các quỹ cứu trợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ngày 3/8 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rahoi đã công bố kế hoạch tiết kiệm với mục tiêu cắt giảm chi tiêu 102,1 tỷ euro (125 tỷ USD) trong vòng ba năm.

Cùng ngày, biểu tình lớn còn diễn ra tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) và nhiều thành phố khác của quốc gia với sự tham gia của hơn 50.000 người. Tại Lisbon, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình với lực lượng an ninh bên ngoài trụ sở quốc hội. Người biểu tình còn ném cà chua vào văn phòng của IMF và xô xát với các nhân viên công vụ. Có tin cho biết, một người đã tìm cách tự sát nhưng đã được cứu sống.

Đối với Bồ Đào Nha, quốc gia này đã được nhận khoản vay trị giá 78 tỷ euro, đổi lại phải tiến hành một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Theo đó, bắt đầu từ năm 2012, người làm công phải chi trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ an sinh xã hội.

Tuy nhiên, dư luận chỉ trích các biện pháp cắt giảm chủ yếu đánh vào tầng lớp lao động chứ không ảnh hưởng nhiều đến những người giàu có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biểu tình lớn tại châu Âu chống chính sách “khắc khổ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.