(HNM) -
Mới đây, một chuyện hy hữu đã diễn ra trong ngành GTVT khi hai "sếp tổng" của hai tổng công ty được xếp vào cỡ đầu ngành tự nguyện thế chấp chức vụ với Bộ trưởng Đinh La Thăng nếu công trình mà đơn vị họ làm chủ thầu và thi công không về đích trước thời hạn. Người bàn ra, người tán vào, nhưng rõ ràng việc làm này rất đáng được nhìn nhận một cách tích cực, đặc biệt trong bối cảnh "bệnh" chậm tiến độ của các dự án công trình giao thông đã trở thành kinh niên.
Tổng Giám đốc Phan Quốc Hiếu của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long hiện là tổng thầu Dự án 3B đường Vành đai 3 giai đoạn 2 (Cầu vượt đoạn gần đường Khuất Duy Tiến), có giá trị 1.400 tỷ đồng. Vành đai 3 là tuyến đường quan trọng trong mục tiêu giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Ông Hiếu "cược chức" để vượt tiến độ 5 tháng nếu được Bộ trưởng đáp ứng hai điều kiện: Một là cho ứng thêm 10% tiền nữa ; hai là cho thưởng tiến độ để lấy tiền huy động máy móc thiết bị. Tổng giám đốc Vũ Hải Thanh của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) - đơn vị thi công trụ cầu cạn từ số 136 đến trụ 163, dài khoảng 1km nhất quyết: Nếu không xong như đã hứa với Bộ trưởng thì quá ngượng ngùng…, tôi sẽ về hưu…
Chuyện "cược chức" tới đâu, hạ hồi phân giải. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì những ý kiến quả quyết từ hai vị "sếp tổng" của ngành GTVT cũng đã cho thấy họ là những người dám đương đầu với thách thức khó khăn - một tố chất rất cần cho những người đứng đầu mà không phải người nào cũng có. Và họ cũng là những người dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, một phẩm chất rất khác với nhiều cán bộ công chức hiện nay, khi đùn đẩy, lảng tránh trách nhiệm như thể "chuyện thường tình" trong giới lãnh đạo của không ít doanh nghiệp nhà nước, kể cả nhiều đơn vị thuộc Bộ GTVT.
Chuyện "cược chức" của hai vị "sếp tổng" này khiến nhiều người liên tưởng đến văn hóa từ chức mà từ lâu công luận đã đề cập. Nói về văn hóa từ chức, có nhiều khái niệm đưa ra, nhưng trước hết là văn hóa trách nhiệm. Hành động từ chức được đánh giá cao vì nó thể hiện lòng tự trọng, ý thức về trách nhiệm cá nhân với công việc chung, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi rất nhiều người cho rằng chức vụ đi liền với quyền lợi. Không ít người lựa chọn, đợi có việc "ngon" thì làm, việc không "có màu" thì đùn đẩy; cũng có những người bảo "làm" thì "làm" , bảo "nghỉ" thì "nghỉ". Trong xã hội Việt Nam hiện tại không có nhiều người đủ tự trọng và can đảm để xin từ chức khi tự thấy mình không còn xứng đáng. Hay nói cách khác, không nhiều người có văn hóa trách nhiệm.
Từ chức là biểu hiện của văn hóa hơn là pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri, lương tâm của mỗi con người. Từ chức là thái độ trung thực với chính mình, là biểu hiện của lòng dũng cảm, lòng tự trọng. Mong rằng, từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong hoạt động công vụ ở nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.