(HNM) - Một chương trình đã đứng vững và sống khỏe suốt 3 năm qua là
Cách đây 3 năm Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tạo bước đột phá trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến khán giả nước ngoài khi ra mắt chương trình này. Nhà hát đã có đầu tư không nhỏ về kỹ thuật khi trang bị ba hàng ghế treo tai nghe cá nhân để nghe được thuyết minh tiếng Anh, hai màn hình LED ở hai bên sân khấu, phòng thu phát tương thích… rồi đầu tư về nhân lực, trong đó người dịch, thuyết minh giỏi tiếng Anh, có hiểu biết sâu về sân khấu, nghệ thuật. Vậy nhưng, ngay khi đó, trả lời báo giới, NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cũng khẳng định: "Chỉ cố làm việc cần phải làm, chứ thành hay bại thì không thể biết được!". Nay, lượng khách đã khá đều, đặt lịch kín từng tháng, từng quý nhưng những người nghệ sĩ giàu suy tư nghề nghiệp vẫn quyết định đổi mới bởi có khá nhiều đóng góp hay của công chúng, đồng nghiệp và nhất là du khách nước ngoài.
Sự đổi mới này trước hết ở kết cấu chương trình đã rõ ràng, rành mạch hơn, không bị bó buộc bởi diễn cải lương mà là hầu hết những hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian độc đáo của các vùng miền với tên gọi "Giới thiệu văn hóa các vùng miền Việt Nam". Ở mỗi tiết mục đều chỉ cụ thể trên hình bản đồ Việt Nam vị trí của địa phương - nơi xuất xứ của hình thức diễn xướng, biểu diễn tiết mục, hay tiết mục biểu diễn quan trọng, cơ bản, đặc trưng của địa phương nơi đó. Và dứt khoát với tiêu chí biểu diễn các hình thức nghệ thuật của Việt Nam, nên ngoài 6 tiết mục cũ, nhà hát mạnh dạn khai thác thêm các tiết mục khác như múa "Cồng chiêng Tây Nguyên", "Múa sạp" của đồng bào Thái…, hay thay đổi tiết mục bài tân cổ giao duyên "Tình yêu trên dòng sông Quan họ" bằng cả màn múa - hát Quan họ da diết, ngọt ngào. Toàn bộ tiết tấu chương trình được đẩy nhanh, thay đổi tiết mục liên tục để giữ được thời lượng cần thiết. Từng tiết mục cũng được đầu tư kỹ lưỡng hơn từ dàn dựng cho diễn viên đến phông cảnh trên sàn diễn. Ở lần đổi mới này còn có sự xuất hiện một cô gái thuyết minh tiếng Anh xinh đẹp, phát âm khá chuẩn, uyển chuyển để hướng sự chú ý của khán giả vào những điểm cần tập trung ở từng tiết mục. Tuy nhiên, không quá lệ thuộc vào sự thuyết minh này, đạo diễn cũng tận dụng ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ của âm nhạc… cho các tiết mục của mình. Du khách cũng rất thích thú khi được mời lên sân khấu chụp ảnh, tham gia màn múa sạp tưng bừng, rộn rã để kết thúc đêm diễn.
Thưởng thức đêm diễn, sự nhẹ nhàng, thư thái khiến người xem yêu mến thêm những diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát. Có những diễn viên giỏi nghề, chuyên đóng vai chính nay cũng khiêm nhường múa phụ họa, thậm chí cầm sào tre để gõ nhịp cho màn múa sạp. Dù vẫn còn đôi ba chỗ cần đến sự dàn dựng công phu và tập luyện kỹ lưỡng hơn nhưng đây thực sự là chương trình khiến những khán giả khó tính cũng sẵn lòng vỗ tay tán thưởng. Rõ ràng, biết lắng nghe, đổi mới liên tục với những sáng tạo, cập nhật xu thế thời đại chính là yếu tố duy trì bền lâu lượng khách cho Nhà hát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.