(HNM) - Không thể phủ nhận sự thuận tiện của thức ăn đường phố đối với người tiêu dùng (NTD). Những quán ăn đường phố có mặt ở mọi nơi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người từ thức ăn đường phố cũng rất cao.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 50.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm, thì số quán ăn, nhà hàng trên các đường phố, vỉa hè... chiếm khoảng 50%; tập trung chủ yếu ở các quận nội thành; các thị trấn, thị tứ của các huyện ngoại thành. Gần như trục đường, ngõ ngách, tuyến phố, khu tập thể nào cũng có hàng ăn. Nhưng hầu hết không đáp ứng được các tiêu chí về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Một quán bún, phở tại phố Mai Dịch (Cầu Giấy). |
Tại quán vịt trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), thịt vịt được nướng ở ngay mép đường, xe cộ qua lại bụi mù mịt. Thấy khách yêu cầu đĩa bún, cô nhân viên bán hàng đang nhặt rau vội vàng đứng dậy lau tay vào chiếc giẻ vừa được dùng lau bàn, rồi bốc bún cho khách. "Mục sở thị" các quán lòng lợn, tiết canh trên đường Chiến Thắng, phường Văn Quán và đường Hoàng Hoa Thám, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông), chúng tôi không khỏi kinh hoàng khi chứng kiến "hậu trường" nơi đây. Các loại thực phẩm được pha cắt, chế biến ngay dưới nền gạch, xi măng, sát khu vệ sinh; còn rau các loại chỉ nhúng qua loa vào một chậu nước, rồi đem chế biến và mang cho khách ăn sống. Cả một rổ khá to bát, đĩa, xoong nồi chỉ rửa bằng một chậu nước nhờ nhờ, váng mỡ lềnh bềnh. Gần đó là những xô đựng thức ăn thừa, không được che đậy, đặt kề miệng cống nước thải, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu đầy. Còn tại một quán phở ở phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm) cũng khủng khiếp không kém. Toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ chế biến thực phẩm, đun nấu, rửa bát, đũa đến chỗ ngồi ăn của thực khách đều nằm gọn trong ngõ rộng hơn 1m, dài 5-7m, mặt nền ẩm thấp, nhớp nháp. Các loại rau, thực phẩm được đặt trực tiếp xuống mặt bờ tường của con ngõ và thái thịt sống, chín chung một chiếc thớt.
Những chuyện thức ăn không được che chắn để ngay cạnh đường đi lối lại, chủ quán tay vừa bốc thức ăn, vừa nhận trả tiền của khách... nơi bán hàng chật chội, bẩn thỉu, cùng với nơi sinh hoạt; thức ăn để sát mặt đất, gần cống rãnh, nhà vệ sinh như vậy không hiếm gặp ở các quán ăn đường phố trên địa bàn Thủ đô. Hầu hết quán ăn trên các đường phố là thiếu hạ tầng cơ sở, dịch vụ vệ sinh môi trường như: hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, công trình vệ sinh, các trang thiết bị bảo quản. Riêng trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, hơn 650 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã xử lý 4.184 cơ sở không bảo đảm VSATTP. Đặc biệt, Sở Công thương đã tịch thu tiêu hủy trên 3,2 tấn gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1,1 tấn nội tạng động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch đã bốc mùi hôi thối.
Khi đề cập đến vấn đề chất lượng, VSATTP tại các quán ăn đường phố, vỉa hè, NTD nào cũng trả lời: "Khuất mắt trông coi" và "Sống, chết có số". Qua kết quả điều tra của Cục VSATTP (Bộ Y tế) cho thấy, thức ăn chín đường phố Hà Nội có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli từ 70 đến 90% và có tới hơn 40% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm bị nhiễm E.coli. Theo các bác sỹ chuyên ngành tiêu hóa, với thực trạng chế biến thức ăn như tại các quán ăn đường phố hiện nay, thì việc bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố mới ghi nhận có 2 vụ, với 31 người bị ngộ độc thực phẩm, nhưng lẻ tẻ người bị đau bụng, buồn nôn sau khi sử dụng thực phẩm ở những quán ăn đường phố thì xảy ra như cơm bữa.
Để bảo đảm sức khỏe, nhất là vào mùa hè, NTD cần phải biết tự bảo vệ mình, có những lựa chọn chính xác... đối với “thức ăn đường phố”. Mặt khác, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra công tác VSATTP tại các quán ăn ở vỉa hè, đường phố; những cơ sở nào không bảo đảm, vi phạm Luật VSATTP phải kiên quyết đình chỉ hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.