(HNM)- Trận mưa
Lâu lâu Hà Nội mới có một trận mưa to như thế. Dân Hà Nội chắc cũng đã quen với mưa kiểu này nên ngay khi có dấu hiệu mưa, mọi người đã nhanh chóng có nhiều cách ứng xử. Nhiều người cố ở lại thêm chờ mưa ngớt mới về. Nhưng chỉ 5 phút sau khi ra đường, đa số người gần như bị ngập trong nước. Trên các đường phố, hàng giờ người đi đường nhích lên từng chút, từng chút một. Trong cái đám hỗn độn ô tô, xe máy, nước và tắc đó, nhiều người đành mở một "đường máu", đẩy vài viên của dải phân cách động ra giữa đường, nơi ít ngập nước nhất, để tiện đường quay xe. Vậy là một phần bài toán đã được giải: Những xe máy muốn quay đầu, dễ dàng lách xe qua dải phân cách. Nhưng một bài toán mới, lớn hơn gấp nhiều lần, lại bị đóng lại: tất cả số còn lại muốn đi mà không được (hoặc không dám đi) vì chỗ khô ráo thì vướng, chỗ không nhiều xe thì ngập sâu, lao vào là xe chết máy. Tắc lại hoàn tắc… Bắt đầu là chen lấn, xô đẩy, là cãi cọ, mắng nhiếc nhau, thậm chí đe dọa nhau…
Bình thường thì cả tiếng đồng hồ mới về đến nhà với khoảng cách vài cây số, còn không thì ngót 3 tiếng đồng hồ mới đi được… 8 cây số. Trên mạng người ta ca thán ầm ầm. Có người viết: "Hà Nội mới thi công xong rất nhiều sông, đề nghị mọi người trước khi ra đường nhớ học Luật Giao thông đường thủy", " Hãy sắm thuyền khi ra khỏi nhà"… Ngập tràn các trang tin, nào là "mưa lịch sử", nào là "các tuyến phố ngập nặng", nào là ngành giao thông công chính đã phải làm việc vất vả ra sao, nào là rất nhiều xe bị chết máy, nào là giá lau bu-gi, giá dắt xe tăng đột biến...
Rồi mưa cũng ngớt, nước rút cũng là lúc mọi người đổ xô ra đường nhiều hơn.
Đường không đến nỗi ngập nhiều. Nước đã rút nhiều, có thể đi lại thuận tiện hơn. Nhưng dòng xe vẫn cài nhau chặt cứng, lại tiếp tục xô đẩy, cãi nhau, gần như chẳng ai nhường ai. Vấn đề ở đây không phải là ngập nước mà đoàn xe ùn ứ lại vì quá đông mà nhiều lái xe taxi chọn chỗ ít ngập nước nhất giữa lòng đường để đỗ, vì mưa thế này, có chạy cũng chả được bao nhiêu tiền, mà lại nguy hiểm; vì mọi người ai cũng muốn về nhà sớm nên quyết không nhường nhau, nên lại chen lấn xô đẩy, cãi cọ, đe dọa nhau. Còn mưa đổ xuống thì mấy anh cảnh sát giao thông vào trú trong nhà, không đứng ra điều tiết nữa. Chắc chỉ khi tình hình giao thông hỗn loạn diễn ra diện rộng trên toàn khu vực nội thành và có chỉ đạo của cấp trên nên lúc đó cảnh sát giao thông mới xuất hiện giơ gậy, thổi còi inh ỏi.
Hệ thống thoát nước của Hà Nội lâu nay hằng năm vẫn được đầu tư rất nhiều tiền, nhưng hiệu quả vẫn không khá lên nhiều? Vì sao? Nhiều trận mưa lớn đã cho những bài học đau xót, nhưng cứ thêm mỗi trận mưa to lại thêm nhiều bài học mất mát. Chẳng lẽ hết năm này qua năm khác cứ nhận các bài học liên tục, liên tục mà không thể dừng lại? Và rồi, khi giao thông chưa căng thẳng người dân cần cảnh sát giao thông có mặt ngay lập tức để điều tiết nhằm hạn chế mức thấp nhất sự hỗn loạn, nhưng chỉ khi thực sự hỗn loạn mới thấy các vị xuất hiện. Khi đó thì tình hình đã căng thẳng lắm rồi. Phòng ngừa hơn là chạy theo giải quyết hậu quả. Ai cũng biết nguyên tắc tối thượng đó. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Đừng đổ lỗi cho thiếu kinh phí, đừng đổ lỗi cho mưa. Chính những người tham gia giao thông, chính người có trách nhiệm điều hành giao thông và chính các nhà làm dự án thoát nước đang làm khổ chính mình và làm khổ nhau khi trời mưa xuống. Và với tình hình này, còn phải nhận bài học liên tục, liên tục, vì trời sẽ còn mưa… Biết đến bao giờ hết chuyện luôn nhận những bài học cũ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.