(HNM) - Giãn cách xã hội hiện được xem là một trong các biện pháp hiệu quả và mang tính quyết định giúp hạn chế và làm giảm tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tầm quan trọng của biện pháp này đã phần nào được chứng minh trong lịch sử và trong các nghiên cứu gần đây của giới khoa học.
Vào năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát khiến gần 1/3 dân số thế giới nhiễm bệnh. Với số người thiệt mạng được ước tính ít nhất 50 triệu người, đây là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, tình hình tại hai thành phố St.Louis và Philadelphia của Mỹ lại hoàn toàn khác nhau.
Trước đó, cả 2 thành phố này đều đã lên kế hoạch tổ chức diễu hành gây quỹ hỗ trợ châu Âu trong Thế chiến I, nhưng St.Louis đã hủy bỏ vào phút chót vì lo ngại tình trạng sức khỏe cộng đồng và đã ban hành lệnh cấm tụ tập trên 20 người. Trong khi đó, Philadelphia vẫn tiến hành sự kiện với sự có mặt của gần 200.000 người. Kết quả là có 700 ca tử vong do cúm ở St.Louis trong khi trung bình mỗi giường bệnh tại Philadelphia phải tiếp nhận 31 bệnh nhân và hơn 12.000 người đã thiệt mạng.
Mặc dù cuộc diễu hành không phải là lý do duy nhất khiến tỷ lệ tử vong có sự chênh lệch lớn ở hai thành phố này, nhưng con số đã cho thấy tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội trong kiểm soát dịch bệnh. Nghiên cứu mới của Đại học Tây Australia đã xác nhận điều này. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ tâm dịch Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được thu thập trước khi các biện pháp kiểm soát được kích hoạt triệt để, sau đó áp dụng mô phỏng đối với thành phố Newcastle ở bang New South Wales của Australia, nơi có dân số hơn 270.000 người.
Từ các dữ liệu tính toán và mô phỏng tốc độ lây lan trong các trường hợp, thời gian bùng phát và đỉnh dịch, các nhà nghiên cứu nhận thấy biện pháp giãn cách xã hội như làm việc tại nhà, tự cách ly và giảm tiếp xúc cộng đồng có tác dụng đáng kể trong việc giảm số lượng và tốc độ lây lan của dịch Covid-19.
Theo tính toán của các nhà khoa học, một người mắc Covid-19 có thể lây nhiễm cho trung bình 2-3 người và những người nhiễm sau đó tiếp tục truyền thêm cho 2-3 người khác. Như vậy, trong vòng 1 tháng, trường hợp duy nhất ban đầu có thể kéo theo 244 trường hợp bị lây nhiễm và trong vòng 2 tháng, con số này tăng vọt lên mức 59.604 người. Song nếu thực hiện giãn cách xã hội tốt, họ vẫn sẽ góp phần ngăn chặn vi rút lây lan. Các biện pháp được Trung Quốc áp dụng là ví dụ điển hình cho biện pháp này. Ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, lệnh phong tỏa quy mô lớn đã khiến hệ số lây nhiễm giảm từ 2,35 xuống gần 1.
Theo Giáo sư George Milne, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Australia, khi vắc xin vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, việc các quốc gia có khả năng tự ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, giãn cách xã hội là biện pháp được áp dụng để làm chậm lại sự lây lan của dịch Covid-19, giảm áp lực cho hệ thống y tế và giúp các nước có thêm thời gian, song cũng cần phải kết hợp hiệu quả với các biện pháp khác để có thể dập tắt dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.